Vị tướng đánh giặc xong, lại "chiến đấu" với đói nghèo

ANTĐ - Có một người lính sống, chiến đấu và trưởng thành từ mặt trận miền Tây Nam Bộ, mảnh đất Kiến Tường, sau này là tỉnh Long An. Ông là Trung tướng Lê Mạnh, anh Tư Mạnh, nguyên Tư lệnh trưởng Quân khu 7. Ông hiền lành, chất phác, giản dị. Thẳm sâu trong ông là sự trìu mến, thân thương, giàu lòng nhân ái…

Vị tướng đánh giặc xong, lại "chiến đấu" với đói nghèo ảnh 1

Trung tướng Lê Mạnh (người ngồi sau) sau ngày giải phóng Miền Nam

Đồng cam cộng khổ

Tướng Lê Mạnh sinh năm 1947 tại Cai Lậy, Tiền Giang trong một gia đình nông dân yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp, gia đình ông là cơ sở chở che cán bộ, chiến sĩ mặt trận miền Tây Nam Bộ. Mười bốn tuổi ông tham gia liên lạc, rồi du kích xã, ấp, đến năm 1965 thì nhập ngũ.

Binh Nhì Lê Mạnh được biên chế về đơn vị trinh sát Tiểu đoàn 504. Trải qua nhiều vị trí, ông trở thành Tiểu đoàn phó, sau đó là Tiểu đoàn trưởng. Ông cùng anh em trong tiểu đoàn ngoan cường chiến đấu, tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 tạo thế và lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương 1975… 

Từ người lính trinh sát tiểu đoàn đến cương vị tiểu đoàn trưởng, Tướng Lê Mạnh đã nếm trải nhiều gian khổ, hy sinh. Mỗi trận đánh với cương vị là chỉ huy, ông hòa đồng cùng chiến sĩ, thông cảm sẻ chia, bình đẳng như ngày ông còn là lính.

Với những người lính hành quân từ Bắc vào Nam, những sinh viên, học sinh “xếp bút nghiên” ra trận hoặc là cán bộ, công nhân viên khoác áo lính vào chiến trường… chưa quen gian khổ, Tư Mạnh như một người anh ân cần chỉ bảo đường đi, nước bước, cách bơi thuyền sông rạch, cách ngụy trang nghi binh, đào hầm hào tránh phi pháo…

Ông luôn ủng hộ, hy sinh vì đồng đội, không chỉ chăm lo đời sống chiến sĩ mà còn là một người không nề hà trước những nguy hiểm, giữa trận mạc, bom đạn để cõng đồng đội đã hy sinh hoặc bị thương về nơi an toàn, rồi tiếp tục lo tổ chức chăm sóc thương binh, chôn cất tử sĩ. Không một chiến sĩ nào sống bên ông ở chiến trường mà không có kỷ niệm về ông.

Vị tướng đánh giặc xong, lại "chiến đấu" với đói nghèo ảnh 2Trung tướng Lê Mạnh gặp gỡ đồng đội tại Hà Nội

Xả thân vì đồng đội

Sau này, Nguyễn Văn Mót (Tư Mót), một đồng đội của Trung tướng Lê Mạnh kể lại:  Đầu năm 1965, Mỹ tăng cường “cố vấn”, huấn luyện cho 3 trại biệt kích nhằm biến con kênh Dương Văn Dương thành vành đai an toàn. Ngay trước phía Bắc trại huấn luyện, địch đã bố trí khoảng một tiểu đoàn kéo dài hàng cây số chốt chặn. Phía Nam là cánh đồng ngập nước, nhiều lớp kẽm gai đều gài các loại mìn sát thương. Ta rất khó tiếp cận. 

Rồi một đêm, nhận nhiệm vụ, nhóm trinh sát gồm 7 chiến sĩ, trong đó có Lê Mạnh, Tư Mót tiến vào tiếp cận địa hình. Địch phát hiện bắn ra xối xả. Chúng gọi phi pháo chi viện, pháo sáng rực bầu trời. Trực thăng phóng rocket. Các chiến sĩ lần lượt hy sinh. Tư Mót bị thương nặng. Tư Mạnh nói với Tư Mót: “Anh em hy sinh hết rồi, để tôi dìu anh ra”.

Ông quàng súng qua vai, một tay cắp Tư Mót, một tay bò khỏi hàng rào còn lại. Lúc bò trên bờ, lúc bò dưới mương, đỉa bơi lúc nhúc. Địch bắn sàn sạt trên đầu. Đưa được Tư Mót ra, ông lại quay vào tiếp tục cõng xác các liệt sĩ ra khỏi trận địa, đưa về đơn vị.

Câu chuyện của thương binh Lại Phú Minh cũng thật cảm động. Vốn quê ở Hà Nội, nhập ngũ 1977, Minh được biên chế trong Tiểu đoàn 504, Trung đoàn Vàm Cỏ, tỉnh đội Vĩnh Long. Tháng 8-1978 tham gia chiến đấu ngăn chặn giặc Polpốt lấn chiếm. Minh bị thương, nằm kẹt lại giữa trận địa và ngất đi. Đoàn cán bộ đi kiểm tra trận địa pháo phát hiện và đưa Minh về quân y viện điều trị.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Minh vào lại vùng chiến trường miền Tây Nam Bộ cũ mong tìm được ân nhân, là người đã cõng mình ra khỏi trận địa, nhưng không tìm được. Có một ngày, tình cờ Minh đã gặp được ân nhân tại Hà Nội, người đó chính là ông Tư Mạnh lúc đó đang là Trung đoàn trưởng, theo học Học viện Quân sự tại Hà Nội. Biết bao cảm động trong giờ phút trùng phùng.

Vị tướng đánh giặc xong, lại "chiến đấu" với đói nghèo ảnh 3

Trung tướng Lê Mạnh gặp gỡ đồng đội tại Hà Nội

Những “trận đánh” thời hậu chiến

Sau ngày đất nước thống nhất, những người lính chia tay nhau để bắt đầu một cuộc sống mới. Với Trung tướng Lê Mạnh, ngoài nhiệm vụ chính của Đảng, Nhà nước và quân đội trao cho, ông còn tiếp tục những trận đánh mới, những trận đánh thời hậu chiến nhằm giúp gia đình, những cơ sở kháng chiến cũ và đồng đội vượt khó khăn, chiến thắng đói nghèo.

Tình đồng đội từ những năm tháng trận mạc như một mạch chảy trong lòng ông, như một món nợ nghĩa tình hối thúc ông phải thực hiện một cuộc dựng xây mới để làm ấm áp hơn, lung linh hơn cái quá khứ đáng tự hào năm xưa.

Cả cuộc đời Trung tướng Lê Mạnh gắn với quân ngũ. Những năm tháng xông pha chiến trường, để lại trên cơ thể ông nhiều thương tích. May mắn là ông có một gia đình hạnh phúc, nền tảng giúp ông rất nhiều trong cuộc sống và sự nghiệp. Vợ ông - bà Lê Thị Có xinh đẹp, nết na vốn là một y tá quân đội. Đám cưới của hai vợ chồng người lính được tổ chức giữa chiến trường vào năm 1971 ngay trên biên giới Việt Nam - Campuchia. 

Vị tướng đánh giặc xong, lại "chiến đấu" với đói nghèo ảnh 4

Bà Lê Thị Có thời làm y tá tại tỉnh đội Kiến Tường (Long An)

Bà Lê Thị Có còn có tên khác là Chín Có, quê chính gốc Long An. Gia đình bà là một gia đình cách mạng, có công lao đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời chiến bà Lê Thị Có là một chiến sĩ ngoan cường, xông pha nơi bom đạn, cứu thương cho chiến sĩ không ngại hiểm nguy. Cũng như chồng, bà giàu lòng vị tha, thương người như thể thương thân. 

Sau ngày đất nước thống nhất, vợ chồng bà cũng phải làm “kinh tế”, cũng phải tìm cách để chiến thắng đói nghèo. Bà tổ chức khai khẩn đồi đất hoang, tạo dựng nên những nông trường hàng trăm héc-ta cao su, tạo nhiều việc làm cho con em đồng đội và đồng bào…

Ngay từ những thành công ban đầu trong lĩnh vực kinh tế, vợ chồng bà đã trích ra nhiều phần để xây nhà tình nghĩa, xây trường học, trường mẫu giáo, trả nghĩa cho những cơ sở cách mạng, những gia đình ở những vùng kháng chiến cũ đã có công che chở, đùm bọc ông và đồng đội, giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sỹ, những đối tượng chính sách đang gặp khó khăn ở nhiều vùng miền.

Trung tướng Tư Mạnh là đại biểu Quốc hội khóa X. Khi ông còn đang công tác, bà không dám thành lập công ty, sợ ảnh hưởng tới chồng. Nay ông đã nghỉ hưu, bà mở công ty, làm Giám đốc Công ty Xây lắp và san nền, cơ sở ở hai tỉnh Long An và Tuy Phước.

Đối với vợ chồng bà, cần phải đẩy mạnh việc làm kinh tế để có nguồn tài chính làm từ thiện, làm việc tình nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh và đồng đội nghèo khó. Rất nhiều công trình tình nghĩa, ủng hộ phong trào “Uống nước nhớ nguồn” của các địa phương từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây đều có sự đóng góp của vợ chồng Trung tướng Lê Mạnh.

Trong nhiều năm qua, hơn 13 tỷ đồng của ông bà đã được chuyển về các huyện: Thủ Thừa, thị xã Kiến Tường, huyện Tân Hưng, huyện Vĩnh Hưng, huyện Đức Hòa, huyện Tân Thạnh… để xây nhà tình nghĩa, nhà mẫu giáo, nhà thương binh, trường học, mua xe cứu thương và các thiết bị cho phòng khám bệnh viện.

Tiếp đó là mua máy vi tính, trải đá xanh cho một phần con lộ bên bờ tây Kinh Quận, rồi hỗ trợ xây cầu, mua sách vở cho học sinh nghèo. Ông bà Tư Mạnh còn tặng nhiều xuồng cho bà con vùng Đồng Tháp Mười - Long An làm phương tiện đi lại và làm ăn sinh sống. 

Những câu chuyện về cách hành xử nhân ái, nghĩa tình của vợ chồng Trung tướng Lê Mạnh luôn được các cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến ở vùng Đồng Tháp Mười những năm đánh Mỹ kể cho nhau với niềm thương mến, tự hào.