Vị thế Interpol Việt Nam: Quét sạch “rác” trong nhà

ANTĐ - Vừa thực hiện những chuyến tầm nã ngoài biên giới, Interpol Việt Nam trong những năm qua còn phối hợp chặt chẽ với Interpol quốc tế phát hiện, bắt giữ nhiều tên tội phạm “ngoại” trốn lệnh truy nã tại Việt Nam. Nói như lãnh đạo Văn phòng Interpol Việt Nam thì phương châm của các anh là: “Bắt giữ tội phạm, trước tiên, phải quét sạch “rác” trong nhà”.

Một đối tượng tội phạm “ngoại” trên đường bị bàn giao về nước

Vào cuộc với tinh thần khẩn trương, giữa tháng 9-2011, Interpol Việt Nam và CATP Hải Phòng xác định được tung tích Mai Đức Vượng chính xác đã trốn sang Trung Quốc. Cụ thể hơn, sau khi vượt biên trái phép và lẩn sâu vào nội địa nước bạn, Vượng cùng một đàn em là Nguyễn Thành Thuận đã bị Công an Thẩm Quyến, Trung Quốc bắt giữ vì nhập cảnh trái phép. Khi bị bắt, Công an Thẩm Quyến thu trong người Vượng 1 súng quân dụng, 1 súng hoa cải, 1 áo giáp chống đạn cùng nhiều tang vật khác. Các thông tin trao đổi về nhân thân Vượng được lực lượng Interpol Việt Nam và Trung Quốc triển khai. Theo quy định pháp luật của Trung Quốc, các trường hợp nhập cảnh trái phép sẽ bị trục xuất ngay sau khi bị phát hiện. Ngày 21-10, tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Vượng cùng tay đàn em tên Thuận đã bị CATP Hải Phòng và

Interpol Việt Nam thực hiện lệnh bắt.

Một trong những chuyên án được coi là “kinh điển” của Interpol Việt Nam là vụ bắt một tên trùm “xã hội đen” người Ấn Độ, tên là Pandey PraKash (SN 1970). Khi Pandey tra tay vào khóa số 8, những người hàng xóm của y tại TP Hồ Chí Minh đã thực sự ngỡ ngàng khi biết rằng gã đàn ông có vẻ ngoài khá hiền lành ấy lại tham gia nhiều vụ bắt cóc, giết người kinh hoàng tại Ấn Độ, và đang bị truy nã suốt 10 năm qua. Theo tài liệu của Interpol quốc tế và Cảnh sát Ấn Độ, Pandey Prakash tham gia tổ chức tội phạm có tên Chhota Rajan, một tổ chức tội phạm khét tiếng toàn Ấn Độ. Ngày 3-7-1995, tại Thủ đô Bombay, Pandey cùng đồng bọn dùng súng bắn chết một người đàn ông. Bị cảnh sát vây bắt, tên này tiếp tục dùng súng tử thủ, sau đó trốn được. Đầu năm 2000, y bị coi là có liên quan đến vụ nổ mìn tại Haldwani, Ấn Độ…

Ngoài các hành vi sặc mùi bạo lực như trên, Pandey còn tham gia hoạt động bảo kê cờ bạc, nhà hàng. Táo tợn hơn, với chiêu bài tuyển diễn viên, Pandey cùng đồng bọn đã đăng báo tuyển dụng các cô gái trẻ đẹp, sau đó tìm cách bắt cóc và yêu cầu gia đình họ nộp tiền chuộc. Bỏ trốn sau khi gây ra hàng loạt các vụ phạm pháp nghiêm trọng, Pandey bị cơ quan tố tụng Ấn Độ lùng bắt và treo thưởng lớn cho ai phát giác hay bắt được y.

Năm 2001, Tổ chức Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với Pandey. Trong suốt thời gian đó, Pandey đã dùng nhiều tên giả, hộ chiếu giả nhằm lẩn tránh sự truy bắt gắt gao của cơ quan tố tụng Ấn Độ và các nước thành viên Interpol. Năm 2007, ngay sau khi nhận được đề nghị của Interpol Ấn Độ, Văn phòng Interpol Việt Nam đã khẩn trương vào cuộc, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an truy tìm Pandey đang có khả năng lẩn trốn tại Việt Nam. Trong liên tục 3 năm, đến năm 2010, từ những tài liệu về đối tượng do Cảnh sát Ấn Độ cung cấp, đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã phát hiện Pandey quả thực đang trốn ở Việt Nam với tên và hộ chiếu giả là Vijay Subash Sharma.

Tiếp tục mở rộng truy xét, Văn phòng Interpol Việt Nam cùng các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an xác định tên tội phạm nguy hiểm đang sống cùng vợ và 2 con tại một căn hộ cao cấp ở chung cư Nhiêu Lộc, phường 12, quận 13, TP.HCM. Cuối tháng 10, Pandey bị bắt và ngày 3-11-2010, Văn phòng Interpol Việt Nam cùng đại diện Cảnh sát Việt Nam đã trao trả đối tượng cho cơ quan tố tụng Ấn Độ.

Trước vụ bắt đối tượng Pandey, Interpol Việt Nam cũng đã tóm được một “siêu lừa” người Hàn Quốc, là Noh Jung Sik (SN 1948). Tên này bị Tòa án quận Seoul ra lệnh truy nã từ tháng 8-2009, về các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Theo cơ quan tố tụng Hàn Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 5-2006 đến tháng 1-2009, Noh Jung Sik đã lừa đảo bằng thủ đoạn làm giả giấy tờ, môi giới 5 vụ hôn nhân bất hợp pháp, sau đó tìm cách trốn khỏi Hàn Quốc.

Nhận được đề nghị từ phía Cảnh sát Hàn Quốc, Văn phòng Interpol Việt Nam, có sự phối hợp của các lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an nắm được, từ năm 2004-2008, Noh Jung Sik đã nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích thương mại và du lịch. Lần nhập cảnh cuối cùng của y vào ngày 19-10-2008. Đáng chú ý, khi ở Việt Nam, Noh Jung Sik đã lập gia đình sinh sống tại xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Tháng 1-2011, Interpol Việt Nam phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an đã phát hiện, bắt giữ “siêu lừa” tại một quán karaoke trên phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi xác minh Noh Jung Sik không phạm tội trong thời gian ở Việt Nam, Interpol Việt Nam đã trao trả đối tượng cho phía Hàn Quốc để điều tra, xử lý.

Qua 20 năm hoạt động, Interpol Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý trên 45.000 lượt thông tin, trong đó hơn 12.000 lượt thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự xuyên quốc gia; hơn 3.300 lượt thông tin liên quan đến tội phạm kinh tế; gần 3.000 lượt thông tin về tội phạm ma túy và hơn 13.000 lượt thông tin liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp. Interpol Việt Nam đã phối hợp các lực lượng khác  bắt giữ và trao trả khoảng 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc… phối hợp với cảnh sát nước ngoài bắt giữ và dẫn độ về nước 49 đối tượng truy nã.