Vị thế bấp bênh

(ANTĐ) - Thái Lan lại đứng trước nguy cơ bất ổn mới khi đảng Dân chủ (DP) cầm quyền do Thủ tướng  Abhisit Vejjajiva đứng đầu đang phải đối mặt với khả năng bị giải tán nếu Toà án Hiến pháp phán quyết đảng này sử dụng sai công quỹ.

Vị thế bấp bênh

(ANTĐ) - Thái Lan lại đứng trước nguy cơ bất ổn mới khi đảng Dân chủ (DP) cầm quyền do Thủ tướng  Abhisit Vejjajiva đứng đầu đang phải đối mặt với khả năng bị giải tán nếu Toà án Hiến pháp phán quyết đảng này sử dụng sai công quỹ.

Thủ tướng Abhisit đến Tòa án trong sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt
Thủ tướng Abhisit đến Tòa án trong sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt

Thủ tướng Abhisit ngày 18-10 đã phải ra trước Toà án Hiến pháp với tư cách nhân chứng để bảo vệ DP trước cáo buộc tham nhũng. Đây có thể là phiên điều trần cuối cùng trước khi Toà án Hiến pháp ra quyết định xem DP có sử dụng sai mục đích 29 triệu baht (900.000 USD) từ Quỹ phát triển chính trị của Ủy ban bầu cử Thái Lan năm 2005 hay không.

Trước đó, cả Văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan (OAG) và ủy ban bầu cử Thái Lan đều đã chính thức đề nghị Tòa án Hiến pháp giải thể đảng DP cầm quyền và cấm các chính trị gia đảng này tham gia chính trị trong 5 năm. Theo OAG và Uỷ ban bầu cử Thái Lan, DP của Thủ tướng Abhisit đã nhận bất hợp pháp tiền quyên góp chính trị.

Không những thế, OAG và ủy ban bầu cử còn thu thập đủ các bằng chứng để cáo buộc DP đã nhận 258 triệu baht (hơn 8,6 triệu USD) một cách bất hợp pháp từ tập đoàn xi măng TPI Polene Plc của doanh nhân kiêm chính trị gia Prachai Leophairatana năm 2005. DP đã dùng các giao dịch "ma" để che đậy số tiền này.

Trong khi đó, Hiến pháp Thái Lan cấm một chính đảng nhận tiền ủng hộ trên 10 triệu baht mỗi năm từ một cá nhân hay một công ty. Như vậy, theo OAG và ủy ban bầu cử, DP đã vi phạm và phải bị giải thể theo Luật về Đảng Chính trị.

Nếu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết bất lợi cho DP chỉ một trong hai cáo buộc trên thì đảng này sẽ bị giải thể theo luật pháp Thái Lan. Ngoài ra, ít nhất 24 quan chức từng giữ các trọng trách của DP các năm 2004 và 2005 sẽ bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm, trong đó có cả Thủ tướng Abhisit.

Hiện Thủ tướng Abhisit vẫn lên tiếng bảo vệ điều mà ông cho là sự trong sạch của DP. Ông khẳng định đảng cầm quyền không làm bất cứ điều gì sai trái so với luật pháp.

Toà án Hiến pháp sẽ có khoảng 30 ngày để xem xét các chứng cứ và lập luận trước khi đi tới phán quyết DP có phạm luật hay không. Do tính chất quyết định của phán quyết này nên giới quan sát cho rằng đang diễn ra cuộc chiến ngầm quyết liệt giữa các lực lượng chính trị Thái Lan.

Đồng thời với phiên toà xét xử DP, Toà án Hiến pháp Thái Lan đã ra quyết định sa thải ông Pasit Sakdanarong - Thư ký Chánh án tòa án. Việc sa thải này diễn ra sau khi đảng Puea Thai ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra công bố đoạn băng video gặp gỡ giữa ông Pasit với nghị sỹ DP Wiruch Romyen mà họ cho là nhằm để chạy án.

Bởi thế, các nhà phân tích cho rằng dù Tòa án Hiến pháp có ra phán quyết thế nào đối với số phận DP và các lãnh đạo cao cấp  của đảng cầm quyền thì chính trường và xã hội Thái Lan sẽ còn tiếp tục bấp bênh và chia rẽ trong tương lai.

HOÀNG TUẤN