Những uẩn khúc về vụ hỏa hoạn xảy ra tại quận Hoàng Mai:

Vì sao hai lần tòa phải trả hồ sơ?

ANTĐ - Viện KSND quận Hoàng Mai vừa ban hành bản cáo trạng mới nhất về việc truy tố 3 bị can liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại quận Hoàng Mai, Hà Nội vào hồi cuối tháng 10-2008. Tuy nhiên, ngoài việc bắt giữ và truy tố thêm bị can Lê Văn Ngọc thì những yêu cầu điều tra bổ sung một số tình tiết trong vụ án mà tòa án cùng cấp đề nghị vẫn bị Viện KSND làm ngơ…

Vì sao hai lần tòa phải trả hồ sơ? ảnh 1

Nơi xảy ra vụ hỏa hoạn cách đây hơn 3 năm - Ảnh: QT


Bỗng dưng… bốc cháy?       

8h30 ngày 27-10-2008, bất ngờ một đám cháy bùng phát xung quanh năm căn nhà (số 481, 483, 485, 487 và 489) trên đường Nguyễn Tam Trinh, quận Hoàng Mai. Chỉ ít phút sau, ngọn lửa đã thiêu rụi nhiều tài sản của những ngôi nhà này với trị giá ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Sau khi đám cháy được dập tắt, CAQ Hoàng Mai đã phối hợp với các lực lượng chức năng vào cuộc.

Theo cáo trạng của Viện KSND quận Hoàng Mai, tại hiện trường, cơ quan CSĐT thu được nhiều hạt kim loại nóng chảy (vảy hàn) ở ngõ đi chung giữa nhà 483 và 485, 1 máy hàn trong nhà 487.

Theo bản kết luận số 503/KL/PC23, ngày 23-12-2008 của Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội: “Vùng cháy đầu tiên là gác xép số nhà 483, đường Nguyễn Tam Trinh. Nguyên nhân cháy có khả năng do trong quá trình hoạt động sửa chữa tại số nhà 485, phía giáp với số nhà 483 đã làm bắn các vảy hàn sang khu vực gác xép nhà số 483. Các vảy hàn này có nhiệt độ khoảng từ 1.600 độ C đến 1.800 độ C đã bắt cháy vào đống vải, quần áo trên gác xép nhà 483 làm cháy nhà 483, rồi lan ra xung quanh…”.

Cũng theo bản cáo trạng này, trước đó ngày 1-5-2002, bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1959, vợ ông Nguyễn Duy Bộ) cho bà Đặng Thị Lý (SN 1963, trú tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) thuê căn nhà số 485 và thửa đất 487 đường Nguyễn Tam Trinh để làm xưởng đồ điện gia dụng (trong vòng 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng).

Hết thời hạn, ông Bộ yêu cầu bà Lý trả lại căn nhà số 485. Còn nhà số 487, bà Lý vẫn được bà Tuyết cho thuê nhưng không thiết lập hợp đồng. Đồng thời, ông Bộ yêu cầu bà Lý tháo dỡ toàn bộ khung sắt, gác xép cơi nới trước cửa nhà 485.

Sáng 27-10-2008, dưới sự chỉ đạo của Lê Văn Ngọc (SN 1974, trú tại xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), Nguyễn Văn Quyền (SN 1986, trú tại xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) và Nguyễn Văn Chiến (SN 1985, trú tại xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) trực tiếp tham gia tháo dỡ khung sắt, gác xép cơi nới trước cửa nhà 485.

Trong lúc dùng que hàn cắt các khung sắt, Quyền đã làm cháy gác xép nhà số 483. Sau đó, đám cháy đã nhanh chóng lan sang các nhà xung quanh, gây ra vụ hoả hoạn dẫn đến thiệt hại tài sản với số tiền hàng tỷ đồng.

Toà bảo trả, Viện bảo không (!?)

Sau khi xảy ra vụ việc, Lê Văn Ngọc đã bỏ trốn. Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Quyền rồi cáo buộc Nguyễn Duy Bộ và Nguyễn Văn Quyền cùng phạm tội: “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, theo quy định tại khoản 3, Điều 240-BLHS.

Trong khi đó, lời khai của các nhân chứng khác còn nhiều mâu thuẫn và chưa được làm rõ… Đến ngày 7-9-2011, Ngọc bị bắt theo lệnh truy nã và bị Viện KSND quận Hoàng Mai cáo buộc phạm vào tội “Vi phạm quy định an toàn lao động”, theo khoản 3, Điều 227 – BLHS.

Điều đáng nói, trước đó, vụ án được Viện KSND Hoàng Mai nhanh chóng hoàn tất hồ sơ rồi chuyển sang TAND cùng cấp. Sau khi thụ lý vụ án, ngày 14-7-2010, TAND quận Hoàng Mai đã ra Quyết định số 14/2010/HSST-QĐ về việc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (lần thứ nhất) vì thấy rằng chứng cứ có nhiều mâu thuẫn.

Đồng thời, TAND Hoàng Mai yêu cầu Viện KSND quận Hoàng Mai với nội dung: Xác định rõ điểm cháy và kết luận nguyên nhân gây ra cháy; Tiến hành thực nghiệm điều tra với sự có mặt đầy đủ các nhân chứng để làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án; Khởi tố bị can đối với Lê Văn Ngọc và Nguyễn Văn Chiến về cùng tội danh: “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”; Làm rõ có việc anh Đoàn Thanh Bình (chồng chị Đặng Thị Lý), chỉ đạo tốp thợ của Ngọc vào tối 26-10-2010 để thực hiện việc cắt khung sắt chữ V trước cửa nhà 485 vào sáng 27-10-2010 hay không?; Xác định chính xác thiệt hại về tài sản của 4 số nhà 481, 483, 487, 489 đường Nguyễn Tam Trinh…

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai của nhiều nhân chứng thì việc TAND quận Hoàng Mai ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung là hoàn toàn đúng pháp luật.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Viện KSND cùng cấp vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và tiếp tục chuyển hồ sơ vụ án sang tòa. Trước những chứng cứ buộc tội thiếu thuyết phục của Viện KSND Hoàng Mai, TAND Hoàng Mai lại phải ra Quyết định trả hồ sơ (lần thứ hai).

Cho đến nay, ngay cả khi bị can Lê Văn Ngọc đã bị bắt giữ, khởi tố và truy tố nhưng nhiều tình tiết mà TAND cùng cấp yêu cầu trả hồ sơ cho Viện KSND để điều tra bổ sung vẫn không được đáp ứng.

Trao đổi với ANTĐ, bà Phan Thị Minh Trâm – Phó Viện trưởng VKSND quận Hoàng Mai cho rằng: “Khi tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện đã khắc phục hết tất cả những yêu cầu đó và chuyển sang để cho tòa xử rồi. Đến khi đấy bắt được bị can Ngọc nên Viện rút về để nhập án, truy tố Ngọc”(!?).

Còn liên quan đến bản kiến nghị của Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga – Trưởng VPLS Hằng Nga – người tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy Bộ, kiến nghị về việc Viện KSND quận Hoàng Mai đã “họp án” với một cơ quan tố tụng khác trong quá trình điều tra và truy tố vụ án này, bà Trâm thẳng thắn nói rằng "có quyền và không ai cấm” việc này(!?).

Thời gian qua, cùng với tiến trình cải cách tư pháp, việc truy tố và xét xử đúng người đúng tội đã hạn chế đáng kể tình trạng tội phạm xảy ra. Tuy nhiên, để mỗi vụ án khi đưa ra xét xử đúng người, đúng tội và khép lại có tính chất răn đe giáo dục phòng ngừa chung, có hiệu quả thì đòi hỏi những người giữ cán cân công lý, thi hành pháp luật phải hết sức công tâm.