Vi phạm về nhập khẩu chất thải nguy hại tăng mạnh

(ANTĐ) - Với hơn 4.600km đường biên giới trên bộ, gần 3.500km đường biển, khoảng 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại, Việt Nam được đánh giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các đường dây, đối tượng buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hóa gây ô nhiễm môi trường như rác thải công nghiệp, phế liệu lẫn tạp chất, chất thải nguy hại, thậm chí cả hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm sinh học, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Vi phạm về nhập khẩu chất thải nguy hại tăng mạnh

(ANTĐ) - Với hơn 4.600km đường biên giới trên bộ, gần 3.500km đường biển, khoảng 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại, Việt Nam được đánh giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các đường dây, đối tượng buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hóa gây ô nhiễm môi trường như rác thải công nghiệp, phế liệu lẫn tạp chất, chất thải nguy hại, thậm chí cả hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm sinh học, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Lực lượng chức năng phát hiện...

Lực lượng chức năng phát hiện...

Những thủ đoạn trá hình

Đại tá Nguyễn Xuân Lý - Cục trưởng Cục CSMT - Bộ Công an cho biết, qua hơn 4 năm đi vào hoạt động, lực lượng CSMT phối hợp với các cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện hơn 2.500 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường; trong đó có hơn 200 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; phạt tiền và truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 142 tỷ đồng, buộc tái xuất và tiêu hủy 325 tấn rác thải, hơn 10.000 tấn thép phế liệu, hơn 6.000 tấn ắc-quy phế thải...

Phía sau những con số này là thủ đoạn đối phó hết sức tinh vi của những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Đại tá Nguyễn Xuân Lý dẫn chứng, các doanh nghiệp thường khai báo hàng hóa là phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, hoặc đã được làm sạch. Nhưng thực tế, phần lớn lại là phế liệu có chứa tạp chất, chất thải nguy hại. Có trường hợp ghi trên tờ khai là nhập quặng chì, song hàng nhập là ắc-quy chì phế thải. 

Điển hình cho kiểu vi phạm này là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Đông ở tỉnh Bình Dương. Trong nhiều năm, doanh nghiệp này đã nhập khẩu hàng ngàn tấn chất thải nguy hại thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập như sơn quá hạn, dầu nhớt thải, xăng bẩn… rồi bán lại cho một số doanh nghiệp trong nước để làm nguyên liệu hoặc phụ gia sản xuất.

Sau hành vi gian lận khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ đoạn khá phổ biến của các đối tượng là triệt để lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong các văn bản pháp quy, trong công tác kiểm tra giám sát và đặc biệt trong việc phân luồng hải quan, khai báo hàng hóa nằm trong diện được miễn kiểm tra hoặc kiểm tra xác xuất 5-10%.

Liều lĩnh hơn, có đối tượng còn làm giả giấy tờ của cơ quan chức năng trong và ngoài nước, khai báo gian lận chủng loại, xen kẽ giữa hàng cấm nhập và hàng được phép nhập, động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm “cài” với động vật thông thường. Đơn cử như vụ Công ty CP Thương mại XNK Móng Cái nhập khẩu hơn 2,8 tấn rắn, rùa các loại. Trong quá trình bị lực lượng chức năng kiểm tra, doanh nghiệp này đã xuất trình giấy chứng nhận của tổ chức Cites. Nhưng qua xác minh có tới 3 loài đặc biệt quý hiếm, mà theo quy định phải nghiêm cấm xuất - nhập.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng việc chưa có văn bản cụ thể quy định tiêu chuẩn đối với các mặt hàng là máy móc, thiết bị cũ nên đã cố tình nhập khẩu máy móc, thiết bị chuyên dùng cũ kỹ, lạc hậu, không còn khả năng sử dụng để đem tháo dỡ, tân trang lắp ráp thành nguyên chiếc để bán, hoặc bán dưới dạng phế liệu.

Nghiêm trọng hơn, có doanh nghiệp thông qua hoạt động đầu tư để nhập thiết bị, công nghệ lạc hậu vừa tiêu hao nhiều nhiên liệu, vừa gây ô nhiễm môi trường. Minh chứng cho hành vi nguy hại này là vụ Công ty Cửu Long - Vinashin Hải Phòng núp danh nghĩa nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng đã nhập toàn bộ thiết bị cũ, nát, hỏng được tháo dỡ từ một nhà máy nhiệt điện có tuổi đời hơn 40 năm của Hàn Quốc. Trong đó có 1 máy biến thế còn hơn 4.000 lít dầu thải có chứa loại chất hữu cơ khó phân hủy, độc hại với con người và môi trường.

... xử lý các vụ nhập khẩu chất thải nguy hại
... xử lý các vụ nhập khẩu chất thải nguy hại

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Đó là kiến nghị chung của đại diện các cơ quan chức năng tại hội nghị “Phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu”, tổ chức tại Hải Phòng hôm qua, 5-11. Đại tá Lương Minh Thảo - Phó Cục trưởng Cục CSMT nhận định, công tác quản lý Nhà nước về môi trường còn nhiều yếu kém; phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng. Nhiều địa phương luôn xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó là những kẽ hở trong các văn bản pháp quy. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra phổ biến, nhưng số vụ bị phát hiện, khởi tố điều tra lại rất hạn chế. Sự chưa hoàn thiện của các văn bản pháp quy lĩnh vực bảo vệ môi trường được Thượng tá Nguyễn Đức Đáng - Trưởng phòng CSMT, CATP Hải Phòng cho biết; đang có điều luật bảo vệ môi trường tạo nên những cách hiểu… khác nhau giữa các cơ quan Nhà nước và cách hiểu giữa cơ quan Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Phải có hành lang pháp lý đủ mạnh mới có thể giải quyết được tình trạng “nóng” của vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. “Hành lang” ấy, theo đại diện Cục CSMT, các Bộ, ngành phải thống nhất trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thủ tục XNK và quy định về hàng hóa nhập khẩu. Phải có văn bản cụ thể chống hành vi chuyển rác thải từ nước ngoài vào Việt Nam, mà cụ thể ở đây, Bộ KHCN cần ban hành văn bản quy định rõ các quy chuẩn kỹ thuật về máy móc, thiết bị cũ, để ngăn chặn việc xâm nhập máy móc, thiết bị cũ, chuyển giao công nghệ lạc hậu vào nước ta.

Đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất hướng phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điều khoản của Luật BVMT; liên quan đến quản lý phế liệu, đổ chất thải ra biển, quản lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm làng nghề… Một cam kết được đưa ra tại hội nghị, là Bộ Công an sẽ tăng cường phối hợp với Interpol và các lực lượng bảo vệ an ninh môi trường ở các quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan; tăng cường các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống việc nhập khẩu phế liệu, phế thải vào lãnh thổ Việt Nam.

Hoàng Quân