Vi phạm quảng cáo: Phạt cũng như không

ANTĐ - Nhiều chuyện quanh việc buông lỏng công tác quản lý biển quảng cáo ngoài trời cũng như các quy định nhiều năm qua chưa theo sát thực tế đã khiến TP.HCM đang là địa phương có số vụ vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thuộc diện nhiều nhất cả nước.

Ở TP.HCM, bất cứ chỗ nào dựng được biển, đều thành nơi… quảng cáo

Ông Châu Quốc Dũng, Chánh thanh tra Sở VH-TT&DL cho biết, danh sách quảng cáo không phép ngoài trời do Sở lập rất dài, nếu phạt liên tục đến cuối năm chưa chắc đã xử lý hết. Chỉ từ đầu năm đến nay, riêng những quảng cáo trong phạm vi điều chỉnh của ngành văn hóa, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt các doanh nghiệp có quảng cáo không phép, sai quy định số tiền 3 tỷ đồng, trong đó 18 công ty vi phạm từ 3 lần trở lên.

Theo ông Đinh Hoàng Linh, Phòng Văn hóa UBND quận 10, tuyến đường Tô Hiến Thành ở trung tâm quận, phố không lớn nhưng mật độ giao thông dày đặc, vì thế quận chỉ quy hoạch đặt 6 biển quảng cáo. Song khi kiểm tra thực tế, trên đường này đã có 10 biển quảng cáo và tới 8 biển không phép. Cũng theo ông Linh, mỗi tuần, đơn vị này phát hiện ít nhất 20 biển quảng cáo treo dọc các tuyến đường không có phép và nếu cương quyết hơn, số vụ vi phạm còn nhiều hơn…

Ông Đinh Hoàng Linh cho hay, các công ty quảng cáo hiện không sợ cơ quan chức năng xử lý, cũng không ngán bị phạt tiền bởi quận hay phường không đủ người thực hiện tháo dỡ những biển quảng cáo tấm lớn, lại càng không đủ kinh phí để thuê tháo dỡ; nếu có quyết tâm tháo dỡ, xin ý kiến chỉ đạo, xin kinh phí thực hiện có khi mất cả năm trời.

Mặt khác với quảng cáo có giấy phép thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố, nếu vi phạm thì bị phạt 40 triệu đồng, nhưng một quảng cáo không phép, tối đa chỉ bị phạt 20 triệu đồng. Thế nên với những hợp đồng quảng cáo hàng tỷ đồng, đa phần các doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt quảng cáo không phép, rẻ hơn, hoặc cố tình chây ỳ không chịu nộp phạt. Không ít doanh nghiệp nhờ quen biết, lấy được số của giấy phép rồi thực hiện quảng cáo, không thèm lên lấy giấy phép và quên luôn nhiệm vụ… đóng phí. Đây là kẽ hở khiến Nhà nước thất thu một khoản khá lớn. Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM cho rằng: trong 2 năm qua, Sở VH-TT&DL chỉ xử phạt được 6 tỷ đồng, Sở Thông tin - Truyền thông phạt được hơn 380 triệu đồng là quá ít so với số tiền lẽ ra có thể thu từ các trường hợp vi phạm. Mức phạt hiện nay chẳng khác… gãi ngứa các doanh nghiệp quảng cáo.

Trong khi đó, việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời hiện đưa về UBND quận, huyện, địa phương không có người lại thuê tư vấn quy hoạch chính là các công ty quảng cáo?! Cũng dễ hiểu khi quy định xử phạt và cách làm quy hoạch không hợp lý trong xử lý vi phạm quảng cáo hiện vẫn bùng nhùng trong khi công tác quản lý thì buông lỏng, nhiều chế tài xử lý vi phạm chưa theo sát thực tế…

Để hoạt động quảng cáo ngoài trời ở TP.HCM dần vào nền nếp, quy hoạch đảm bảo văn minh, mỹ quan đô thị, ông Trần Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty CP Quảng cáo Sài Gòn chia sẻ: Vì quy định quy hoạch theo địa điểm một số nhà cụ thể, mà lượng nhà được phép đặt quảng cáo quá ít nên chủ nhà đang mặc sức đẩy giá thuê lên rất cao. Vì thế công tác quy hoạch quảng cáo nên đẩy nhanh tiến độ, không kéo dài

5-7 năm và phải quy hoạch theo khu vực, giúp tránh được tình trạng bảng biển tràn lan, lộn xộn như hiện nay.

Ông Châu Quốc Dũng, đại diện Sở VH-TT&DL đề nghị, các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo cần được mở rộng thêm, nên quy định rõ thế nào là phù hợp thuần phong mỹ tục để tránh mỗi nơi hiểu mỗi khác. Cần quy định về tần suất quảng cáo, thời gian tối thiểu, tổng thời lượng quảng cáo; quy định về thẩm quyền các quảng cáo vi phạm pháp luật trong xây dựng, môi trường chứ không chỉ về sở hữu trí tuệ như dự thảo luật. Với chế tài xử phạt, cần phải nghiêm khắc hơn, gấp 3-5 lần giá trị của hợp đồng quảng cáo, rút giấy phép hành nghề với doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, có vậy mới đủ sức răn đe. Ngoài ra, cũng cần quy định, các doanh nghiệp khi xin phép dựng quảng cáo phải ký quỹ một khoản nhất định; khoản tiền này sẽ được dùng cho việc tháo dỡ quảng cáo khi hết hạn, tránh tình trạng thiếu người, thiếu kinh phí tháo dỡ như hiện nay.