Vi phạm nồng độ cồn nhưng không ký biên bản, bỏ lại xe có bị xử lý hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình trạng người vi phạm về nồng độ cồn tham gia giao thông khi bị xử phạt đã không ký biên bản, bỏ xe vi phạm diễn ra khá phổ biến. Hành vi này thể hiện sự coi thường pháp luật, cần xử lý nghiêm khắc để răn đe.

Chiều 29-8, Đội cảnh sát giao thông số 1, Phòng CSGT– CATP Hà Nội làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Khoảng 13h40, cảnh sát dừng xe máy do ông P.V.T. (SN 1962, ở quận Long Biên, Hà Nội) điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả ghi nhận ông T có nồng độ cồn ở mức 0,143mg/l khí thở.

Tuy vậy, người đàn ông này không xuất trình được bằng lái, đăng ký xe và không ký vào biên bản vi phạm. Trước khi bỏ đi, ông ta còn cho biết “đã bị thu 2 xe, giờ xe này cũng bỏ luôn”?!

Sự việc trên không phải hiếm gặp. Nó không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức, coi thường pháp luật của cá nhân vi phạm mà còn gây khó khăn trong việc xử lý của các lực lượng chức năng.

Về chế tài xử lý đối với hành vi này, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, cá nhân, tổ chức điều khiển phương tiện mà vi phạm nồng độ cồn bỏ xe, không ký biên bản vi phạm có thể bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng (với cá nhân), từ 8-12 triệu đồng (với tổ chức) nếu có hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, việc cá nhân, tổ chức bỏ phương tiện lại, trốn tránh ký vào biên bản xử phạt thì việc xử phạt vẫn có hiệu lực và họ vẫn phải nộp phạt - luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Việc kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn sẽ được thực hiện quyết liệt trong dịp nghỉ lễ 2-9 tới

Việc kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn sẽ được thực hiện quyết liệt trong dịp nghỉ lễ 2-9 tới

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp bên vi phạm cố tình không ký thì biên bản vẫn có giá trị nếu có sự làm chứng của đại diện chính quyền địa phương hay nhân chứng tại thời điểm đó. Trường hợp không có chữ ký của những người này, biên bản vẫn được lập và ghi rõ lý do.

Khi có quyết định xử phạt mà người vi phạm cố tình không chấp hành, nếu quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp như khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá và mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05%/tổng số tiền phạt chưa nộp.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, do Nghị định 100/2019 có mức xử phạt cao nên người vi phạm bỏ xe khá nhiều. Theo quy định, trường hợp người vi phạm nồng độ cồn hơn 0,4g/ml, sẽ bị giữ xe 7 ngày, phạt 7 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng. Với những người đi xe máy trị giá chỉ vài triệu đồng khi bị phạt họ sẵn sàng bỏ xe. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến quá tải tại các bãi tạm giữ xe.

“Việc lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm không chỉ cho bản thân họ mà cả những người tham gia giao thông khác. Để đảm bảo tính răn đe, cần bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc hơn với những trường hợp này như xử lý hình sự cá nhân có hành vi thách thức, chống đối người thi hành công vụ để làm gương.

Bên cạnh đó, để tránh việc xe vi phạm nằm bãi quá lâu, tồn đọng, cần cho phép lực lượng chức năng có giải pháp rút gọn thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý để có thể mang xe vi phạm bán đấu giá, sung công quỹ nhanh hơn” - luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.