Vì đâu nên nỗi?

ANTĐ - Theo các nguồn tin châu Âu, hiện còn có vướng mắc giữa Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu về mức nợ công của Hy Lạp vào năm 2020 là 120% tổng sản phẩm quốc nội hay để ở mức cao hơn, là 125%.

Hiện nay, tỷ lệ nợ công của Hy Lạp là 160% tổng sản phẩm quốc nội. Trước đó, Hy Lạp mong đợi cuộc họp Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone sẽ thông qua khoản hỗ trợ lớn chưa từng có trị giá 230 tỷ Euro, trong đó có 100 tỷ xóa nợ thông qua ngân hàng và 130 tỷ hỗ trợ công.

Tuần trước, Chủ tịch Nhóm các quốc gia sử dụng đồng Euro Jean-Claude Juncker tuyên bố, muốn có gói viện trợ lần hai, Hy Lạp phải áp dụng các biện pháp cải cách mới, hành động thiết thực trên 3 phương diện: thứ nhất, Quốc hội Hy Lạp phải thông qua thỏa thuận về kế hoạch viện trợ do nước này và đoàn đại biểu của EU, IMF và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã đạt được; thứ hai, Chính phủ Hy Lạp phải nhanh chóng tìm ra lĩnh vực có thể cắt giảm 325 triệu Euro chi phí trong năm nay; thứ ba, các chính đảng lớn của Hy Lạp phải cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các các biện pháp trong kế hoạch viện trợ. Quốc hội Hy Lạp đã thông qua thỏa thuận viện trợ, nhưng không hài lòng với hai điều kiện còn lại của các quốc gia khu vực đồng Euro chỉ vài giờ sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới để nhận được gói cứu trợ thứ hai từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm cứu đất nước khỏi nguy cơ vỡ nợ công vào tháng ba tới.

Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã quyết định từ bỏ toàn bộ tiền lương của mình 283.694 Euro/năm (khoảng 7,5 tỷ VNĐ) để chia sẻ khó khăn với những người dân Hy Lạp bị cắt giảm lương trong suốt 2 năm qua, thể hiện quyết tâm cùng nhân dân chống đỡ khủng hoảng nợ công.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Pantelis Kapsis cho biết cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức sau khi quá trình tái cơ cấu nợ của Hy Lạp hoàn tất. Quá trình này, chủ yếu liên quan tới việc các chủ nợ tư nhân giảm nợ cho Hy Lạp thông qua việc trao đổi trái phiếu, dự kiến sẽ kết thúc trong tháng Ba tới. Theo kế hoạch, các chủ nợ tư nhân có thể xóa tới gần 70% số nợ cho Hy Lạp.

Mặc dù hoan nghênh việc Quốc hội Hy Lạp thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng, Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn vẫn yêu cầu Athens phải nỗ lực hơn nữa để tránh nguy cơ vỡ nợ, bởi điều này sẽ gây hậu quả tàn phá cho Hy Lạp và phần còn lại của châu Âu. Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính châu Âu dự kiến được tổ chức ngày 14-2 để khai thông kế hoạch cứu trợ mới cho Hy Lạp bị hoãn lại đến ngày mai 20-2 . Quyết định hoãn họp chính thức của các Bộ trưởng Tài chính châu Âu trong bối cảnh Hy Lạp ngày càng tiến gần bờ vực vỡ nợ, được xem là một sự trừng phạt bước đầu đối với việc quốc gia thành viên này chưa có những bước đi mạnh mẽ để lấp bớt lỗ hổng ngân sách lên tới 325 tỷ Euro.

Với việc cuộc họp Bộ trưởng tài chính lùi tới thứ Hai tuần sau (20-2), các chuyên gia cho rằng, kết quả sẽ khó có thể tốt đẹp với Hy Lạp, có chăng chỉ là một giải pháp tạm thời để tránh bị vỡ nợ vào tháng 3-2012. Hiện các ý kiến của châu Âu rất khác nhau về số phận của Hy Lạp. Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế Olli Rehn từng cảnh báo, nếu để Hy Lạp vỡ nợ sẽ gây những hậu quả khủng khiếp không riêng với Athen mà với toàn bộ châu Âu.

Châu Âu tạm thời chưa đưa ra bất cứ trợ giúp nào cho đất nước khốn khổ ở Nam Âu khiến Chính phủ Hy Lạp đang bị dồn ép đến bước đường cùng và phải làm mọi việc để tránh nguy cơ đất nước sụp đổ, 325 triệu Euro cũng chỉ là thêm một nhát cắt nữa. Với Chính phủ là vậy, nhưng với người dân Hy Lạp, điều đó có nghĩa là những điều tồi tệ nhất chưa phải đã kết thúc. Không mấy người Hy Lạp, có thể nhớ được đất nước này đã tung ra bao nhiêu chính sách khắc khổ, thắt lưng buộc bụng kể từ ngày cuộc khủng hoảng nợ bùng phát ở đất nước này năm 2010 (chính xác là 6 lần trong 20 tháng). Nhưng có điều không cần nhớ cũng biết là cuộc sống của họ đã xuống cấp đến mức nào sau chừng đó quyết sách của Chính phủ.

Chính sách khắc khổ mới nhất được thông qua hôm Chủ Nhật (12-2) đã cắt giảm 22% mức lương tối thiểu mà một người làm công ăn lương Hy Lạp có thể được nhận. Giờ đây, mức lương tối thiểu ở Hy Lạp là 586 Euro/tháng. Để so sánh, mức lương tối thiểu đó chỉ bằng hơn 1/3 lương tối thiểu ở Pháp (1.400 Euro - chưa thuế) mà mức sống ở Athens hiện tại ngang ngửa, thậm chí còn đắt đỏ hơn Paris.

15.000 lao động trong khu vực công đã bị đưa vào danh sách “chờ sa thải” từ giờ đến cuối năm và hiện chỉ được nhận 60% mức lương cơ bản. Chính sách tăng lương tự động dựa theo thâm niên bị xóa sổ, tức có làm lâu nữa cũng sẽ không được tăng lương.

Gánh chịu nhiều nhất những khốn khó là những người trẻ. Ở Hy Lạp, 50% lao động trẻ (từ 18-25 tuổi) rơi vào cảnh thất nghiệp. Con số đó vẫn tiếp tục tăng mà lương tối thiểu cho giới này trẻ còn bị cắt giảm mạnh nhất, đến 32%. Hàng loạt doanh nghiệp và nhà máy sẽ bị đóng cửa hoặc tư hữu hóa, tức công ăn việc làm sẽ còn ít hơn nữa.

Điều tệ hại hơn là một loạt trợ cấp xã hội, y tế bị xóa bỏ và việc xét duyệt trợ cấp sẽ ngày càng khó khăn hơn khiến người dân Hy Lạp ngày càng lo lắng khi nghĩ tới những gì sắp đến trong tương lai gần. Dường như chắc chắn còn tồi tệ hơn hiện tại bởi khủng hoảng kinh tế đang dần chuyển sang khủng hoảng xã hội. Trên báo chí ở Hy Lạp đã phải đăng các chỉ dẫn về an ninh khi các vụ trộm cắp, cướp của tăng lên. Các vụ biểu tình thì diễn ra liên miên khi mà không một ai biết khi nào thì tất cả những điều này sẽ kết thúc.