Công an Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ nhân dân (2)

Vì dân, không ngại khó, ngại khổ

ANTĐ - Trong công tác cải cách hành chính, yêu cầu được Giám đốc CATP Hà Nội luôn quán triệt đến các đơn vị, cán bộ chiến sỹ, là phải vào cuộc hết mình, không ngại khó, ngại khổ. Sau mỗi chuyên đề, kế hoạch thành công, người dân được phục vụ tốt nhất, còn lực lượng thực thi nhiệm vụ thêm trưởng thành.

Vì dân, không ngại khó, ngại khổ ảnh 1
Ông Đặng Ngọc Thịnh (70 tuổi, trú tại số nhà 26, ngõ Linh Quang B, tổ 60, phường Văn Chương)
vui mừng khi nhận giấy xác nhận để làm thủ tục sang tên phương tiện theo Thông tư 12-BCA
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Vận dụng chủ trương, tháo gỡ vướng mắc

Ngày 26-4, CATP họp sơ kết công tác đảm bảo ANTT tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5. Chủ trì cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đức Chung – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP đã nhấn mạnh một yêu cầu quan trọng: các địa bàn tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Thông tư 12. Chủ trương của Thông tư 12 rất tích cực, là tạo điều kiện để công dân đang sử dụng xe máy, ô tô với đăng ký không chính chủ, có thể được tạo điều kiện giải quyết, cấp lại đăng ký mang tên người sử dụng -  sở hữu đích thực. “Chủ trương là thế, nhưng liệu đại bộ phận chủ sử dụng phương tiện trong diện điều chỉnh của Thông tư 12 có nắm bắt được tinh thần Thông tư? Liệu ai cũng sẵn sàng vượt qua “rào cản tâm lý” về thủ tục hành chính để đi đăng ký lại phương tiện? Nếu chúng ta đề nghị CSKV đến từng hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Thông tư 12, hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn là người dân tự tìm hiểu, tự thực hiện…”. Hàng loạt những câu hỏi, gợi mở ấy được đồng chí Giám đốc CATP trao đổi với chỉ huy các đơn vị…
…Và rất nhanh, sáng 27-4, Phòng QLHC về TTXH đã báo cáo Ban Giám đốc CATP cho chọn thí điểm 3 phường Văn Chương (Đống Đa), Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng), và Phúc Tân (Hoàn Kiếm) để triển khai thí điểm mô hình CSKV đến nhà dân tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Thông tư 12.
Để tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân thực hiện Thông tư 12, công an các quận, huyện, thị xã đã chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành vào cuộc. Mọi tiến độ cũng như khúc mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện thường xuyên được cập nhật, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP. Năm tổ công tác được thành lập để đôn đốc việc thực hiện Thông tư 12 tại 68 đơn vị công an quận, huyện, phường, thị xã, thị trấn. Trong 2 tháng qua, gần 300.000  trường hợp phương tiện cần đăng ký sang tên, di chuyển đã được rà soát; trong đó gần 250.000 ô tô, xe máy mua bán qua nhiều chủ; gần 9.000 trường hợp thất lạc hồ sơ gốc. Các đơn vị công an đã xác nhận tờ khai và trả kết quả 68% số hồ sơ ô tô, 60% số hồ sơ xe máy. Hai tháng, những nỗ lực, vất vả của lực lượng công an được bù đắp bởi những cái “được”: được cho công tác quản lý Nhà nước về phương tiện cá nhân, và được cho nhu cầu, quyền lợi của người dân.
Vì dân, không ngại khó, ngại khổ ảnh 2
Vợ chồng ông Đoàn Văn Hòa (trú tại số nhà 41, ngõ Lương Sử C, tổ 70 phường Văn Chương)
vui mừng nhận giấy xác nhận để làm thủ tục sang tên phương tiện

Cải cách ngay trong bộ máy

Một chủ trương dù hay, dù đúng, nhưng hiệu quả sẽ khó đạt được triệt để, nếu thiếu yếu tố con người. Những dấn ấn của sự chỉ đạo quyết liệt và chuyển biến tích cực bước đầu trong công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân thời gian qua của Công an Hà Nội, một phần nguyên nhân của sự thành công chính là yếu tố con người, là biện pháp cơ cấu, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế công an các cấp theo hướng vận hành phát triển tác dụng, hiệu quả tốt hơn. 
Cùng với sự quan tâm cụ thể đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng cán bộ, chiến sỹ, CATP đã chú trọng thực hiện đổi mới công tác quy hoạch lãnh đạo chỉ huy, ưu tiên cán bộ có năng lực thực tiễn nổi trội, có triển vọng phát triển rõ rệt. Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP đã xây dựng, ban hành Quy chế làm việc của CATP, tăng cường tính kỷ cương, đề cao trách nhiệm cá nhân, làm việc có chương trình, kế hoạch; cán bộ chiến sỹ “đi báo việc, về báo công”. Việc quản lý, sử dụng cán bộ, chiến sỹ được đổi mới theo Luật CAND từ khâu tuyển chọn, đến đánh giá, thăng cấp, nâng lương, miễn nhiệm…Trong thực thi nhiệm vụ, CATP luôn quán triệt từng chỉ huy đơn vị, từng cán bộ, chiến sỹ nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, góp phần xây dựng lực lượng CAND có phẩm chất đạo đức tốt, phong cách làm việc có văn hóa; chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử với đồng chí, đồng đội và khi tiếp xúc với nhân dân. 
Một “bộ máy” được vận hành theo hướng tinh nhuệ, gọn nhẹ, hiệu quả, trách nhiệm, tất yếu sẽ tạo nên những cán bộ, chiến sỹ tâm huyết, hiệu quả trong công tác chuyên môn. Điều này thể hiện rõ trong quá trình CATP triển khai Thông tư 12 của Bộ Công an; qua những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt của tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP, tạo chuyển biến tích cực về lễ tiết, tác phong đối với cán bộ, chiến sỹ trong khi làm nhiệm vụ. Và cụ thể hơn, gần hơn, là ấn tượng  tốt đẹp của người dân đối với lực lượng Công an Thủ đô, trong những công việc cải cách hành chính, vì nhân dân phục vụ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng (Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội): “Thực sự là đột phá cải cách hành chính”
Việc lực lượng CSKV, CAPT xã, công an xã đến từng hộ dân phát biểu mẫu, hướng dẫn kê khai thủ tục đăng ký xe, sau đó tiếp tục xác nhận và trả kết quả nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sang tên, di chuyển xe chính chủ theo qui định của Thông tư 12 Bộ Công an thực sự là khâu “đột phá” mạnh mẽ của lực lượng Công an Hà Nội trong thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. Đây cũng chính là việc làm thiết thực của Công an Thủ đô hưởng ứng “Năm kỷ cương hành chính” của thành phố Hà Nội trong năm 2013. Đối với những người dân ở huyện như chúng tôi, việc cải cách hành chính của Công an Hà Nội trong thực hiện Thông tư 12 lại càng có ý nghĩa, bởi đa phần người dân đều làm nghề nông, trình độ dân trí không đồng đều, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, ngại đi làm các thủ tục liên quan... Nay, các lực lượng công an cơ sở đến tận nhà hướng dẫn, xác nhận, trả kết quả để giúp người dân nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục đăng ký xe dễ dàng đã thực sự mang lại lợi ích cho người dân cấp huyện, xã vùng ngoại thành, được dư luận rất hoan nghênh, ghi nhận về sự chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của Công an Hà Nội.
Rất mong Công an Hà Nội tiếp tục có những sáng kiến cải cách hành chính hiệu quả như việc thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an đối với các thủ tục hành chính khác; tạo mọi điều kiện thuận tiện và mang lại lợi ích cho nhân dân, lực lượng Công an Hà Nội sẽ luôn được nhân dân tin yêu, ủng hộ và giúp đỡ trong sự nghiệp giữ vững ANCT, TTATXH Thủ đô...
Nhà biên kịch Chu Thơm: “Dân cư đông lên nhưng thủ tục hành chính lại giảm xuống”
Cứ nghĩ đến cảnh phải xếp hàng dài dằng dặc và bị hẹn lên hẹn xuống, tôi cũng thấy ớn mỗi lần đến nơi công quyền. Nhưng những thay đổi trong cải cách hành chính của Công an Hà Nội đã khiến tôi thay đổi quan điểm này của mình. Con tôi bị mất chứng minh nhân dân, phải đi làm lại mà nhẹ như không, chả như tôi vẫn nghĩ với những rườm rà, phức tạp. Rồi tôi thấy bạn bè mình, họ đi nước ngoài, hộ chiếu chỉ trong vài ngày là có ngay, thời hạn thì đến tận 10 năm, tha hồ mà vi vu đó đây. Tôi thấy Hà Nội giờ đã mở rộng gấp nhiều lần, dân cư cũng đông đúc lên nhưng rõ ràng, thủ tục hành chính đang ngày càng được giảm xuống đáng kể. Đây thực sự là điều đáng mừng với những thành công đã đạt được của Công an Hà Nội.

NSƯT Minh Vượng: “Người dân đáng được hưởng”
Tôi nghĩ điều đáng ghi nhận nhất từ những thành công trong cải cách hành chính của Công an Hà Nội là việc thu hẹp khoảng cách giữa người dân và cán bộ công an, làm tăng thêm tình cảm gắn bó. Điều này thực sự có lợi cho đôi bên. Khi người dân tin tưởng, cởi mở với cán bộ công an, nhiều nguồn tin thiết thực sẽ được cung cấp cho lực lượng chức năng, nhờ đó, tình hình an ninh trật tự sẽ được giữ vững. Người dân đáng được hưởng một cuộc sống bình yên. Hơn nữa, những cải cách hành chính còn tạo tâm lý vui vẻ, thân thiện cho người dân mỗi khi đến nơi công quyền, không còn làm cho họ cảm thấy tâm lý e dè và nặng nề. Tôi mong rằng, sự thay đổi tích cực này sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.

Trung tá Nguyễn Văn Khoát (Trưởng CAP Văn Chương, quận Đống Đa): Để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp

Cách đây gần 3 tháng, CAP Văn Chương, quận Đống Đa được Giám đốc CATP Hà Nội chọn làm “điểm” về thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an (sang tên đổi chủ các phương tiện giao thông như ô tô, môtô, xe máy không chính chủ). Nhận nhiệm vụ quan trọng này, chúng tôi xác định phải thực hiện thật tốt, vì đơn vị được đồng chí Giám đốc CATP tín nhiệm, chọn thực hiện điểm để nhân rộng ra toàn địa bàn. Sau khi quán triệt tới từng cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là lực lượng CSKV về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ, Ban chỉ huy CAP Văn Chương đã chỉ đạo CSKV xuống địa bàn phối hợp với cán bộ cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Thông tư 12 và nhận được sự đồng tình ủng hộ, tự giác tham gia của mọi người dân.

Cho đến thời điểm này, CAP Văn Chương đã xác nhận được 1.198 phương tiện giao thông là xe máy và 6 ô tô, đạt 97% số phương tiện giao thông nằm trong diện cần sang tên đổi chủ. Theo thông báo của Đội CSGT trật tự CAQ Đống Đa, hiện tại đã có 400 trường hợp làm xong thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện trên địa bàn phường Văn Chương. Cũng trong những ngày đầu thực hiện Thông tư 12, CSKV - CAP Văn Chương đã nhiệt tình hướng dẫn, tạo điều kiện giúp những người dân ở địa phương khác tới địa bàn phường cư trú (thuộc diện KT 2) làm thủ tục sang tên đổi chủ các phương tiện giao thông, để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.