Về miếu Thông xem lễ tế lợn

ANTĐ - Hàng năm, cứ vào ngày mùng 8, 9 tháng giêng âm lịch, tại thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện (Hải Dương) lại diễn ra lễ tế lợn. Đây là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo đã được người dân trong làng lưu truyền hàng trăm năm nay.

Hai cây đa đứng "gác" trước cửa miếu


Miếu Thông có từ đời nào, thời nào thì chưa rõ. Theo các tài liệu, với kiến trúc và kiểu dáng còn lưu lại đến bây giờ thì miếu cổ Phạm Tùng khả năng được xây dựng vào đầu thế kỷ 17.

Thuyết xưa kể lại rằng: Vào năm Long Thụy thứ ba đời nhà Lý, có một người đánh cá tên là Trương Hà, đêm mơ thấy thần báo mộng sẽ có một cây gỗ trầm hương, trên thân gỗ ghi “Tiền Bái Trang – Hậu Phạm Tùng”. Quả nhiên có cây gỗ từ trên mạn ngược theo dòng sông Luộc trôi về đến làng Bái Bồ Trang, dân trong làng vớt lên cưa nửa trên, làm lễ tạ rồi mang gỗ lên tạc tượng lập đền thờ lấy tên là Đền Vua (nay thuộc làng Bái Bồ Trang, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Nửa còn lại trôi theo dòng Tùng Giang và dừng lại trước cửa Miếu. Một con gà trống trắng đứng trên thân cây gỗ vỗ cánh gáy vang, nhân dân ra đón mừng, sắm sửa lễ, mang đồ lên tạc tượng, lập đền thờ lấy tên hiệu là Nại Tế ngài là Thủy thần (Thành Hoàng làng). Từ đó, hai làng Bái Trang – Phạm Tùng đều cúng thờ và kết tình huynh đệ.

Ông Trần Chính Khiết, chủ từ của miếu cho biết: Theo hương ước xưa, trong năm có rất nhiều ngày lễ, ngoài tuần rằm và mùng một hàng tháng, những ngày lễ chính được quy định: ngày 26 tháng chạp làm lễ tất niên; đêm 30 làm lễ đón giao thừa, mừng xuân, mừng năm mới; mồng 6 tháng giêng làm lễ nhập tịch; mồng 9 tháng giêng dân làng mở lễ hội. 5 xóm – xóm Chấm, xóm Cầu, xóm Chùa, xóm Chợ, xóm Dão, mỗi xóm mổ một lợn rước lên cửa Thánh, tổ chức rước nước quanh làng và mở các trò chơi dân gian. Đội tế làm lễ dâng hương tế Thánh. Ngày hội được dân làng tham dự đông vui và bày tỏ tấm lòng thành kính với Thành Hoàng làng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người, mọi nhà bình an, khỏe mạnh, làm ăn phát lộc phát tài.

Lễ rước lợn của các xóm năm nay bắt đầu từ lúc 6 rưỡi sáng cho đến khoảng 7h10 là đủ 5 con của 5 xóm. Các chú lợn được tuyển chọn kỹ lưỡng, to hay nhỏ phụ thuộc vào số người trong mỗi xóm tham gia đóng góp (không bắt buộc), thường là trên dưới 1 tạ như lợn tế của xóm Chấm là 1 tạ 30kg, xóm Dão là 1 tạ 03kg, xóm Dão là 80kg. Lợn tế Thánh được cạo sạch lông, phủ áo gọi là lá mỡ y bào, hai tai lợn, mắt, mũi, mõm, 4 chân và đuôi đều được bịt giấy đỏ, mình lợn được dán hoa, thắt nơ trên đầu; riêng lợn tế Thánh của xóm Cầu còn được gài thêm hoa trạng nguyên ở đỉnh đầu. Lợn được đặt trang trọng trên một chiếc bàn đẹp 4 chân. Đội khiêng bắt buộc là những nam thanh niên chưa vợ, mình còn “trinh”, ăn mặc chỉnh tề đúng theo nghi lễ truyền thống. 
Các xóm trang hoàng mừng lễ hội

Họ chuẩn bị chu đáo các vật phẩm để tế lễ

Từng xóm rước lợn lên miếu làng

 Đội khiêng bắt buộc là những nam thanh niên chưa vợ
5 chú lợn của 5 xóm được đưa vào gian chính điện dâng lên Thánh



Sau khi các xóm rước lợn vào gian chính điện, bên ngoài sân miếu là các đội múa lân vui nhộn. Ông chủ từ gióng trống khai mạc lễ hội. Có hai đội tế lễ. Đội tế nam quan của làng tế trước theo nghi lễ cung đình. Có 18 người, gồm chủ tế, thông xướng, hạ xướng và các thành viên trong đội tế, được chia làm hai bên. Thời gian tế Thánh khoảng 1h, trải qua các bước: Khởi chính cổ (đánh chiêng trống), dâng hương nến (kiểm tra lễ vật trong miếu), dâng tuần rượu thứ nhất, dâng chúc (đọc lời văn khấn), dâng tuần rượu thứ hai và hóa chúc (hóa văn, khấn lễ tạ là xong). Đội tế nữ quan từ làng Bái Bồ Trang năm nào cũng sang. Năm nay họ có 20 người trong đội tế, đã tập luyện từ hai, ba tháng trước. 

Ông chủ từ gióng trống khai mạc lễ hội
Đoàn tế nam quan của làng

Đoàn tế nữ quan 

Cụ Nguyễn Thị Bắc năm nào cũng đến xem lễ rước lợn và tế Thánh


Dù trời mưa phùn và gió lạnh, cụ Nguyễn Thị Bắc, 94 tuổi, người dân xóm Chùa vẫn một mình chống gậy đến xem lễ rước lợn và tế Thánh. Cụ nói mình đã dâng lễ, công đức vào cửa Thánh, con trai cụ là Trần Văn Nguyên cũng trong đoàn tế lễ. Nhờ Thánh phù hộ nên cụ khỏe mạnh, vẫn sáng suốt và minh mẫn. Cụ khen họ tế lễ rất hay, rất dễ nghe. Cụ còn sống là sẽ vẫn lên cửa Thánh.

Những năm chiến tranh loạn lạc, việc tổ chức lễ Thánh gặp nhiều khó khăn. Đến năm 1976, các cụ cao niên và bà con trong làng mới phục hồi lại lễ hội, làng lại rộn rã tiếng chiêng, tiếng trống. Nét đẹp văn hóa truyền thông của quê hương tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay. Ngày hội mùng 9 tháng giêng đã thu hút đông đảo nhân dân trong làng cùng những người con xa quê, khách thập phương về dự, dâng hương tế Thánh, thành tâm công đức, cùng nhau gìn giữ miếu làng.