Về miền Tây ăn bún

ANTĐ - Từ Nam ra Bắc, vùng nào cũng có những món ăn với bún. Hà Nội có bún chả, bún thang nức tiếng; miền Trung có bún bò giò heo Huế, bún mực, bún tôm; miền Nam thì có bún bò Nam bộ. Nhưng nếu đã đến miền Tây Nam bộ, nơi sông nước mênh mông, bạn sẽ lại bị cuốn hút bởi những món bún mà chỉ nghe tên đã thấy lạ và hấp dẫn: Bún ca dao Cần Thơ, bún cá linh bông điên điển và bún nước lèo Cà Mau.

Về miền Tây ăn bún ảnh 1Thưởng thức bún đặc sản trên ghe là một thú vui riêng mà bạn không thể bỏ qua khi đến miền Tây

Béo ngậy bún ca dao

Sáng sớm Cần Thơ, sau khi đi chơi chợ nổi Cái Răng nức tiếng, anh bạn Cần Thơ kéo đi “nhất định phải thưởng thức món này”. Chỉ sau mươi phút chạy xe đã tới quán bún ca dao nằm bên công viên Lưu Hữu Phước. Không phải bát bún như mọi nơi mà là một chiếc nồi đất tráng men nâu nhỏ, bún ở dưới, cá, đậu rán, rau thơm trên cùng. Mùi thơm nức bay lên quyến rũ. Vắt chanh rồi cho thêm rau đắng, giá đỗ, trộn đều âu bún mới chợt thấy có điều lạ. Sợi bún các nơi màu trắng tinh của bột gạo, sợi bún ca dao lại có màu sẫm, hóa ra được làm từ gạo nếp than mà ngoài Bắc gọi là nếp cẩm. Nếp than được xay thành bột mịn, trộn cùng bột gạo tẻ rồi vắt thành sợi bún nhỏ, tròn, đều. 

Cái ngon lạ của bún ca dao không chỉ ở vị thơm béo của sợi bún nếp than. Vị ngon nằm ở nước dùng, cá và đậu rán. Khi ăn, gắp chút rau đắng cùng giá đỗ nhúng vào âu bún cho nước dùng thấm đẫm và làm tái rau giá. Vị ngọt, chua, béo, thơm của cá ngấm vào rau đắng. Tất cả hương vị quyện lẫn trong miệng, vị đắng của rau hòa với vị ngọt của cá, vị mặn của nước lèo cân bằng với rau và bún, mềm của cá, giòn mát của giá đỗ. Bún ca dao Cần Thơ chỉ là món bún cá nhưng chế biến không hề đơn giản là vậy. Âu bún cá lúc mới bưng ra tưởng phải hai người ăn mới hết, vậy mà vị ngon, ngọt, thơm cứ đưa đẩy mà hết lúc nào không biết.

Thơm lừng  bún cá linh bông điên điển

Chuyến xe khách chất lượng cao chạy từ Cần Thơ về Đồng Tháp khá thoải mái, xe chỉ chở đủ khách theo đúng số ghế, đến Đồng Tháp lại được trung chuyển miễn phí mười cây số. Đồng Tháp, xứ sở của hoa sen và cây lúa trời. Vùng đất mênh mông sông nước này được ưu đãi một thứ đặc sản của dòng sông Mekong - cá linh. Loài cá sống ở biển hồ ToleSap tận Campuchia, đến mùa nước nổi theo con nước Cửu Long mà về tận Đồng Tháp. Cũng đúng mùa cá linh là cây điên điển trổ bông. Loài cây gần giống với cây điền thanh ngoài Bắc, sống ngập trong nước, hoa vàng nhỏ gần giống hoa sưa.

Bữa cơm trưa tưởng chừng sẽ là cơm trắng với cá bông lau nhưng hóa ra lại là món bún trắng ăn với cá linh bông điên điển, nêm thêm đọt cù nèo, thân hoa súng, rau đắng. Nồi nước dùng sôi bốc khói là lúc thả cá linh vào, những con cá nhỏ xíu chỉ bằng ngón tay út mà nghe nói đến mùa nổi trắng mặt sông, chỉ việc vớt lên rồi chế biến đủ món. Khi cá linh đã chín, thả nhúm bông điên điển vào cho ngấm vị ngọt của nước dùng. Bún trắng để trong bát, múc cá linh và bông điển điển đã chín vào rồi chan nước dùng thơm nức. Vị cá ngọt với vị đắng nhẹ của bông điên điển hòa lẫn với độ giòn của cuống hoa súng thấm đẫm vào bún gợi cảm giác hương vị của miền Tây.

Đậm đà bún nước lèo 

Dư âm món bún ca dao và bún cá linh khiến tôi quyết định sẽ lại thưởng thức tiếp món bún ở nơi cuối cùng trên bản đồ đất nước. Hỏi thăm người dân thì được hướng dẫn ở Cà Mau nổi tiếng là bún nước lèo. Quán trong ngõ nhỏ 24 phố Nguyễn Trãi, khách đến ăn phải ngồi ghế bày trên vỉa hè. Bún nước lèo gồm có bún, thịt lợn quay, tôm đất bóc vỏ, bắp chuối thái sợi, nem thính, giá đỗ, rau húng. Nước lèo đậm thơm mùi cá chan vào bát bún có đủ vị. Cảm giác đầu tiên là mùi cá thơm lừng. Trộn đều bát bún rồi nếm một thìa bún để cảm nhận hết vị ngọt của nước lèo, béo của thịt quay, giòn của giá đỗ và bắp chuối, dai của nem thính và thơm lừng của lá húng.

Biết tôi là dân Bắc vào, hai vợ chồng người khách ghé chung bàn cười và nói “bún nước lèo là đặc sản ở đây, đi đâu xa về đến Cà Mau phải là đi ăn bún nước lèo. Cứ đơn giản vậy mà nhớ quê hương lắm”. Người miền Tây chân chất từ món ăn, cách nói chuyện đến cả ngón đờn ca tài tử. Ngẫm lại, một ngày dài phượt miền Tây Nam bộ, chỉ có món bún mà sao đa dạng phong phú thế!