Vẽ lại bản đồ cây xanh đô thị

ANTĐ -   Với đề án “Cải tạo thay thế cây xanh đô thị”, lần đầu tiên, Hà Nội sẽ thực hiện công tác chỉnh trang hệ thống cây xanh một cách đồng bộ và bài bản…

Vẽ lại bản đồ cây xanh đô thị ảnh 1Cây xanh đúng chủng loại được trồng mới trên đường Nguyễn Trãi

Bát nháo, thập cẩm

Theo thống kê của Sở Xây dựng, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố và có tới hơn 100 chủng loại. Trước đây, có những tuyến phố như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng - vốn được coi là có hệ thống cây xanh đẹp - nhưng cũng có tới 20 loài khác nhau. Ngoài những loại vốn quen thuộc như sấu, xà cừ cổ thụ, còn rất nhiều loại không có trong danh mục như dâu da, đề, bông gòn, dướng, vống, muồng, nhội… Không chỉ “thập cẩm” về chủng loại, những cây này cũng “lôm côm” về kích thước, “nhấp nhô” về chiều cao gây mất mỹ quan đô thị. Thậm chí nhiều cây còn có dáng nghiêng, đổ, nguy cơ bật gốc rất cao vì rễ ăn nổi và dễ bị sâu mọt. Bên cạnh đó, việc quản lý chăm sóc hay cắt tỉa những cây này cũng khó khăn và tốn kém. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các tuyến phố do người dân trồng tự phát hoặc việc thay thế các cây bị gãy đổ thiếu quy hoạch, thống nhất. 

Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho biết, 9 quận nội thành hiện có hơn 44 nghìn cây các loại. Trong đó, xà cừ vốn là loại cây xanh lâu năm quen thuộc của Hà Nội nhưng lại có bộ rễ chùm rất tốn đất và dễ bị đổ khi gặp gió lớn. Rễ cây này còn bị xâm hại khi nhiều đơn vị chức năng thực hiện cải tạo lòng đường, vỉa hè, làm các tuyến cống hoặc đặt cáp ngầm. Người dân xây dựng nhà cửa cũng khiến các cây này xu hướng ngả ra lòng đường.  “Đây chính là lý do để Công ty công viên cây xanh rà soát, đề xuất thay thế dần các cây xanh không đảm bảo an toàn cho dù đó là những cây cổ thụ lâu năm” - ông Nguyễn Xuân Hưng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hưng, những cây xanh cần được thay thế không thuộc nhóm các loại cây trồng trong đô thị. Ví dụ, đường Nguyễn Trãi hiện có gần 600 cây được trồng ven đường và dải phân cách thì ngoài xà cừ còn có cả keo, bàng, dâu da, trứng cá, xoan. Đây là những loại cây giòn, dễ gãy, sâu mục, ảnh hưởng đến ATGT và mất mỹ quan đô thị.

Vẽ lại bản đồ cây xanh đô thị ảnh 2Cây xanh bị gãy đổ trong mùa mưa bão

Lập lại trật tự

Theo đề án “Cải tạo thay thế cây xanh đô thị”, tất cả những cây xanh không đúng chủng loại cây đô thị, không theo quy hoạch của tuyến phố, cây nghiêng, đổ, cong, xấu hoặc cản trở giao thông sẽ được chặt hạ và thay thế. Cây thay thế phải đảm bảo một số yêu cầu như: cao từ 6-8m, có đường kính tối thiểu 10cm, dáng cây phải thẳng, phân cành cao, cân đối, không sâu bệnh, hoa đẹp, chịu được thời tiết khắc nghiệt và ít rụng lá trơ cành, xanh tốt quanh năm. Với những tuyến phố có chiều dài dưới 2km, chỉ trồng 1 loại cây. Nếu dài trên 2km, có thể trồng 2 loại nhưng tùy theo cung đường. 

Cũng theo đề án này, đã có gần 300 trong tổng số hơn 500 cây trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú được thay thế, 80 cây không phù hợp về kích thước, chủng loại được đánh về vườn ươm Cầu Diễn để tiếp tục chăm sóc, phục hồi. Tuy nhiên, theo Công ty Công viên cây xanh, quá trình thực hiện đề án của thành phố đang bị chậm tiến độ do vấp phải sự phản đối của một số hộ dân. Cụ thể tại tuyến đường Nguyễn Trãi, có 23 vị trí công nhân của Công ty không thể thực hiện được do người dân không đồng thuận. Trong thời gian tới, Công ty Công viên cây xanh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thành trước Tết Âm lịch việc chặt hạ và thay thế cây xanh trên  tuyến phố Huế - Hàng Bài (127 cây), tuyến phố Nguyễn Chí Thanh (96 cây). Tất cả những cây này đều được thay thế hoàn toàn bằng cây giáng hương. Chặt hạ xong, sẽ thực hiện ngay công tác trồng cây, bó vỉa gốc cây để đảm bảo mỹ quan đô thị.