Về 42 lao động Việt bị “mắc kẹt” ở Malaysia

ANTĐ - Ngày 19-3, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH chính thức có thông tin xác nhận với báo chí về vụ việc “42 nữ lao động Việt Nam tại Malaysia đang kêu cứu”. Theo đó, không có việc 42 lao động bị nợ lương, bỏ đói, đối xử bạo lực như nội dung các phương tiện truyền thông đã đưa ngày 18-3 theo báo chí nước ngoài.

Truyền thông trong nước dẫn nguồn tin từ tờ Malaysia Star ngày 18-3 cho biết, 42 phụ nữ Việt Nam sống chật chội, khốn khổ trong một ngôi nhà ở thị trấn George, bang Penang, Malaysia đã được Cơ quan Nhập cư bang Penang đưa tới một trung tâm bảo vệ phụ nữ ở Thủ đô Kuala Lumpur. Số phụ nữ này ở độ tuổi 30 đến 50, sống chen chúc trong một ngôi nhà 2 tầng có 4 phòng và 1 nhà vệ sinh tại Jalan Tull từ nhiều tháng qua và không thể quay trở về Việt Nam do thị thực đã hết hạn. Hầu hết những phụ nữ Việt này đều thất nghiệp và không có tiền gửi về cho gia đình. Một số từng làm lao công quét dọn tại một bệnh viện và được trả 50 ringgit (RM)/ngày nhưng sau đó lương bị cắt giảm. Cơ quan Nhập cư bang Penang tuyên bố sẽ làm việc với hãng đã đưa các công nhân Việt Nam sang.

Phản ứng trước thông tin này, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, báo cáo của Ban Quản lý lao động (Ban QLLĐ-Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) khẳng định 42 lao động trên nằm trong số 69 lao động được Công ty cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh (VIHATICO) đưa hợp pháp sang làm dịch vụ (lau chùi, dọn dẹp) tại các bệnh viện ở bang Penang - Malaysia, chủ sử dụng là Công ty ASMANA Sdn Bhd và Công ty môi giới Malaysia là Công ty HOUSEPROUD ASIA. Chiều 18-3, 42 lao động này bị Cơ quan Nhập cư Malaysia tạm giữ khi tiến hành kiểm tra hành chính đối với lao động nước ngoài với lý do giấy phép lao động hết hạn.

Nguyên nhân lao động Việt Nam bị tạm giữ vì giấy phép lao động hết hạn là do kể từ tháng 8-2011 - thời điểm hết hạn visa năm thứ nhất - đến nay, công ty ASMANA vẫn chưa làm thủ tục gia hạn visa năm thứ hai cho người lao động vì lý do tài chính. Thay vì đó, Công ty ASMANA chỉ làm giấy lưu trú đặc biệt (Special Pass) cho người lao động. 

Trước khi vụ việc xảy ra, công việc của 69 lao động rất ổn định với thu nhập cao khoảng 1.200 - 1.500 RM/tháng. Từ giữa tháng 2-2012, người lao động không có việc, Công ty ASMANA tạm thanh toán tiền lương cơ bản (khoảng trên 500 RM, tương đương 3,4 triệu đồng), điều kiện ăn ở ký túc xá tốt. Trước tình hình nêu trên, ngày 27-2-2012, Ban QLLĐ Việt Nam đã trực tiếp làm việc với Công ty ASMANA, yêu cầu công ty có biện pháp giải quyết. Công ty ASMANA cam kết sẽ đưa người lao động đi làm trở lại và tiếp tục hoàn tất các thủ tục để gia hạn visa năm thứ hai, đồng thời sẽ làm thủ tục hồi hương cho người lao động có nguyện vọng về nước; những lao động có nguyện vọng tiếp tục làm việc sẽ được bố trí nơi làm việc mới và ASMANA cam kết sẽ vẫn trả lương cơ bản cũng như cung cấp các điều kiện về ký túc xá cho người lao động trong thời gian chờ đợi giải quyết vụ việc.

Trong tổng số 69 lao động, có 26 lao động có nguyện vọng được sớm trở về nước. Số còn lại mong muốn tiếp tục ở lại làm việc và đã được Công ty NS MEDIC nhận vào làm với công việc vẫn là làm dịch vụ dọn dẹp tại các bệnh viện. 

Cũng liên quan đến 42 lao động đang bị Cục Nhập cư Malaysia tạm giữ, sáng 19-3, Ban QLLĐ đã làm việc với Cục Lao động của Malaysia. Phía Malaysia cho biết đã thông tin cho Cơ quan nhập cư Penang để đưa người lao động trở lại ký túc xá, yêu cầu chủ sử dụng bố trí nơi ăn ở cho người lao động trong lúc chờ giải quyết vụ việc. 

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với số lao động trên.