"Vay vốn xây sân bay thì phải làm ăn hiệu quả, trả được nợ"

ANTĐ - Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành sắp được Bộ Giao thông vận tải trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong phiên họp tới đây. Bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với báo giới một số vấn đề về dự án quan trọng này.

- PV: Phó Thủ tướng (PTT) đánh giá như thế nào về dự án xây dựng sân bay Long Thành?

PTT Vũ Văn Ninh: Về định hướng lâu dài thì cần thiết phải làm sân bay Long Thành. Có sân bay này, sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển về hàng không, bởi lưu lượng qua các cảng hàng không hiện nay đã quá tải. Mặt khác, với những sân bay  cũ thì cơ hội mở rộng, để có một sân bay hiện đại cũng khó khăn. Bên cạnh đó,  nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang phát triển hàng không bằng việc mở rộng sân bay của họ, nếu chúng ta không làm thì không cạnh tranh được, mất lợi thế.

          Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời phỏng vấn báo giới bên hành lang Quốc hội

- Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn xây dựng sân bay, theo PTT vấn đề này sẽ như thế nào?

Phải tính nhiều bài toán về nguồn vốn thực hiện dự án. Hiện nay, chủ trương đưa ra là huy động nhiều nguồn vốn, bởi vốn để xây dựng sân bay lớn lắm, còn ngân sách chỉ là một phần. Tất nhiên, khi đã dùng ngân sách phải tính toán hiệu quả thế nào, an ninh tài chính quốc gia ra sao, an ninh nợ công như thế nào… thì lúc ấy mới tính toán cụ thể.

- Nhiều ĐBQH cho rằng đang trong lúc kinh tế khó khăn, lại đưa dự án xây dựng sân bay Long Thành ra bàn thì liệu có phù hợp không, thưa PTT?

Mối lo của ĐBQH cũng có lý, vì trong bối cảnh tài chính đang có những khó khăn thì lo là đúng. Nhưng chúng ta đang tính bài toán lâu dài, chứ không phải  ngay một lúc dùng số tiền nào đó để xây dựng sân bay, kể cả một vài năm cũng không thể xong được. Vấn đề là phải tính bài toán lâu dài, để làm sao đạt hiệu quả nhất. Quan trọng với 2 chỉ tiêu đặt ra là, khi vay vốn xây dựng sân bay thì phải tập trung làm ăn có hiệu quả và trả được nợ.

- PTT đánh giá như thế nào về “bài toán” nợ công, nếu dự án được triển khai?

Tổng nợ trên thu nhập bình quân đầu người (GDP) chỉ là một chỉ tiêu thôi, chưa phải là vấn đề quan trọng nhất. Vì có những nước nợ công lên tới 100% GDP, mà họ vẫn khỏe mạnh, an toàn, không vấn đề gì. Nhưng có những nước chỉ vay 20-30% thôi, nhưng vẫn vỡ nợ vì không có khả năng trả được nợ. Chính vì thế, chỉ tiêu thứ hai rất quan trọng là có trả được nợ hay không. Cho nên, phải làm ăn có hiệu quả để trả nợ mới quan trọng.

- Theo PTT, cụ thể ở dự án này có tính đến chuyện đội vốn không?

Bây giờ mới là chủ trương, khái toán, chưa tính cụ thể. Lúc nào bước vào xây dựng, chúng ta mới tính toán cụ thể và lúc đó mới biết chính xác được.

- Hiệu quả dự án hoàn thành mang lại trong khoảng 10 năm nữa và Chính phủ đã xem xét, tính toán vấn đề này chưa?

Đương nhiên, khi đưa ra chủ trương thì phải có một bài toán tổng thể, nhưng chưa phải hoàn toàn đầy đủ. Bước đầu mới là sơ bộ, định hướng và định hướng lớn cần có sự chỉ đạo xin chủ trương. Sau này, khi quyết định phê duyệt, có làm hay không làm, còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

- Về giải pháp doanh nghiệp tự vay vốn, chính phủ bảo lãnh để thực hiện dự án, PTT nhận xét như thế nào?

Có nhiều giải pháp và đấy mới là một phương án. Còn tùy thuộc vào nhà đầu tư và nếu nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia mà họ quan tâm, thì chính phủ không phải bảo lãnh nữa.

Xin trân trọng cảm ơn PTT!