Vất vả tìm chỗ học cho con nhưng đừng quên chia sẻ, đồng hành khi con trượt lớp 10 công lập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù các bậc phụ huynh có con trượt lớp 10 công lập đang bận rộn tìm chỗ học cho con nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đây cũng là thời điểm rất nhạy cảm và dễ tổn thương của các con, cần được bố mẹ đồng hành.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội lưu ý phụ huynh cần đặc biệt quan tâm, đồng hành cùng con trước áp lực không đổ vào trường công lập

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội lưu ý phụ huynh cần đặc biệt quan tâm, đồng hành cùng con trước áp lực không đổ vào trường công lập

Hiện rất nhiều phụ huynh của Hà Nội đang bươn bả tìm trường lớp cho con sau khi con không nhận được kết quả trúng tuyển vào lớp 10 trường công lập như mong muốn.

Mặc dù khó tránh khỏ tâm trạng bản thân bố mẹ lúc này khá bối rối, lo lắng khi tìm cho con một trường tư thục tốt không hề dễ vì nhu cầu lớn hơn khả năng đáp ứng nhưng điều Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đặc biệt lưu ý các bậc phụ huynh đây cũng là thời điểm rất nhạy cảm và dễ tổn thương với con cái họ.

Hiện đã có không ít những thông tin đáng buồn trên mạng xã hội khi bố mẹ đăng tìm con cái không về nhà từ 2 hôm nay sau khi nhận kết quả trượt lớp 10 công lập. Thậm chí, có học sinh tìm cách tự tử vì thất vọng với bản thân khi không đỗ vào công lập như mong muốn.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội lâu nay đã được đánh giá là căng thẳng hơn thi vào đại học. Thực tế, với hơn 100.000 học sinh dự thi mà chỉ có hơn 60.000 học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập thì đã cho thấy mức độ cạnh tranh của kỳ thi này cao thế nào.

Điều này gây áp lực kéo dài cho học sinh lớp 9 năm nay khi các em đồng thời phải chịu ảnh hưởng lớn vì dịch Covid-19 trong suốt 3 năm vừa qua.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, tâm lý căng thẳng, thậm chí bế tắc của học sinh có thể dẫn tới những phản ứng tiêu cực ảnh hưởng tới tính mạng các em nếu thiếu sự đồng hành, quan tâm, chia sẻ của các bậc phụ huynh.

"Tình trạng người lớn ganh đua với nhau trong việc con cái mình vào được trường công lập có tiếng khá phổ biến. Nhiều bố mẹ đặt ra mục tiêu cao cho con cái mà không căn cứ vào năng lực thực sự của con. Chính điều này là nguyên nhân khiến các em chịu gánh nặng tâm lý quá lớn mà không được bố mẹ chia sẻ, giúp đỡ đúng cách, đúng lúc" - TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Một trong những việc phụ huynh cần quan tâm vào thời điểm này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm là không nên đưa ra những lựa chọn tạm bợ để có chỗ học mà cần ngồi lại với con tìm hiểu nguyện vọng của con, đặt ra những mục tiêu phù hợp.

"Tôi hiểu là hiện có rất nhiều phụ huynh chọn cho con những trường tư có tiếng dù học phí khá cao, tuy nhiên điều này cũng không hẳn đã là lựa chọn đúng khi con không quyết tâm, nỗ lực hoặc không phù hợp về năng lực kiến thức và cần cân nhắc về kinh tế gia đình.

Hệ thống giáo dục Thủ đô có nhiều lựa chọn khác nhau. Phụ huynh tuyệt đối không nên chạy theo bệnh thành tích hay bằng cấp.

Thay vào đó, hãy tìm cho con những ngôi trường đảm bảo tôn trọng học sinh, giáo viên giỏi nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tâm lý giáo dục để thực sự giúp các em vươn lên bằng năng lực bản thân. Đây cũng là mục tiêu, cách thức được đặt lên hàng đầu thay vì đòi hỏi cao ngay từ đầu về đầu vào của một số trường ở Hà Nội như trường THPT Đinh Tiền Hoàng..." - TS Tùng Lâm chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo TS Tùng Lâm, học nghề cũng là một lựa chọn nên cân nhắc khi con vẫn có thể vừa học văn hóa, vừa có thể làm việc sớm.

"Điều quan trọng nhất là giúp con cái nhận thức được đây chỉ là một thất bại đầu trong cuộc sống, đòi hỏi tự bản thân rút ra bài học, có ý thức và quyết tâm thay đổi thay vì co lại, thoái chí" - TS Nguyễn Tùng Lâm gợi ý.

TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, trong tình huống này cần tránh nhất là nhiếc móc, mắng mỏ, so bì với con cái người khác.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng thường xuyên quan tâm, nói chuyện hoặc tạo các hoạt động gia đình tránh việc để con tiếp cận với quá nhiều thông tin trên mạng xã hội, dẫn tới so sánh bản thân với kết quả của bạn bè, từ đó rơi vào tâm trạng tiêu cực.