Giảm tải áp lực thi vào lớp 10 Hà Nội phải từ cả phía phụ huynh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm nay tiếp tục căng thẳng khi học sinh phải học trực tuyến kéo dài tới gần 7 tháng, chưa kể những ảnh hưởng của dịch bệnh từ năm học trước. Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội đã quyết định chỉ thi 3 môn, nhưng áp lực vẫn sẽ không giảm bởi sự kỳ vọng quá mức của phụ huynh.

Rút xuống 3 môn thi là phù hợp với thực tế

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, năm nay dịch bệnh kéo dài quá lâu và bùng phát rất mạnh, học sinh đang chịu áp lực quá nhiều về sức khỏe và học tập. Do đó, ông hoàn toàn ủng hộ việc Hà Nội chỉ tổ chức thi 3 môn thay vì 4 môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 như năm trước.

Học sinh lớp 9 Hà Nội năm nay được giảm tải với 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT 2022

Học sinh lớp 9 Hà Nội năm nay được giảm tải với 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT 2022

“Lứa học sinh lớp 9 năm nay bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 kéo dài. Phần lớn thời gian phải học online tại nhà, chất lượng học tập rất hạn chế, phụ huynh và học sinh lo lắng vô cùng. Các trường cũng không thể có biện pháp đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh cuối cấp như học trực tiếp. Điều này khiến cho tâm lý giáo viên, học sinh và phụ huynh khá căng thẳng. Việc chỉ tập trung ôn tập 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ khiến các em yên tâm hơn, tránh được áp lực không cần thiết và không phù hợp với diễn biến thực tế” - thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.

Thực tế, hiện nay học sinh lớp 9 đang phải căng mình bổ sung kiến thức sau quá trình học trực tuyến kéo dài. Theo cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) thì học sinh lớp 9 dù được thầy cô đặc biệt quan tâm, nhưng cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng của việc chỉ học qua mạng. “Thực tế không phải học sinh nào cũng đủ năng lực, quyết tâm học tập tốt khi chỉ học online mà không có thầy cô kèm cặp thường xuyên.

Việc rơi rớt kiến thức là có thật. Kết quả này cũng được nhận thấy rõ khi nhà trường làm những bài kiểm tra đánh giá trực tiếp sau khi học sinh trở lại trường. Đây là vấn đề mà thầy cô và học sinh đang phải tích cực khắc phục, bù đắp kiến thức, hoàn thành chương trình lớp 9 để sớm tập trung ôn tập các môn thi lớp 10” - cô Chu Thị Xuân Hường cho biết. Cũng theo vị hiệu trưởng này, việc giảm xuống 3 môn thi là phù hợp với thực tế dạy và học hiện nay của các trường trên địa bàn thành phố.

Sẽ vẫn quá tải vì kỳ vọng của phụ huynh

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội có mức cạnh tranh cao khi hơn 100.000 thí sinh dự thi thì chỉ có 77.000 thí sinh được vào công lập trong năm học tới. Điều đáng nói là không ít thí sinh trượt “oan” do cách lựa chọn không phù hợp của bậc phụ huynh. Việc này còn kéo theo rất nhiều hệ lụy khi học sinh không đạt được nguyện vọng dù mất rất nhiều công sức ôn luyện.

Trong vòng 1 tháng vừa qua, trên địa bàn thành phố đã có 2 trường hợp học sinh tự vẫn, một trong những nguyên nhân chính là áp lực từ bố mẹ đối với việc học tập của con cái. Đây đều là những trường hợp hết sức đau lòng và là bài học đắt giá với các bậc phụ huynh. Ông Hoàng Hữu Trung - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ (Sở GD-ĐT Hà Nội) nhấn mạnh, với những học sinh đang phải chịu áp lực thi cử, nhất là đang ở lứa tuổi trưởng thành, phụ huynh cần tích cực phối hợp với nhà trường trong quá trình giáo dục, nắm bắt tâm lý, phát hiện sớm những khúc mắc để có những can thiệp, điều chỉnh kịp thời.

Theo các chuyên gia giáo dục thì một lý do dẫn đến tình trạng căng thẳng trong quá trình ôn thi, đó là học tập sai phương pháp. Mặc dù học sinh lớp 9 đã đủ lớn để ý thức về cách ôn luyện của mình, nhưng có một số em vẫn chưa tìm ra cách thức ôn tập khoa học và hiệu quả. Trước kỳ thi quan trọng, nhiều học sinh ôn bài tràn lan, không đúng trọng tâm hoặc tham gia quá nhiều lớp học thêm cùng lúc, dẫn đến tình trạng quá tải kiến thức. Khi đó, không chỉ chất lượng việc ôn thi bị giảm sút mà các em có thể sẽ kiệt quệ về mặt thể xác lẫn tinh thần.

Nữ sinh Nguyễn Hoài Thu - trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) cho biết, lịch học ở trường lẫn học thêm của em kéo dài liên tục các ngày trong tuần trừ Chủ nhật, buổi sáng từ 7h30 - 11h45, chiều từ 13h - 17h. Một ngày, em chỉ có thời gian buổi trưa để ăn uống, nghỉ ngơi. Buổi tối lại phải tập trung giải quyết bài tập được giao và chuẩn bị bài mới, em thường phải thức đến sau 0h để làm xong bài tập.

Cha mẹ hãy cùng con xác định mục tiêu lựa chọn trường cấp 3 phù hợp với khả năng học tập của mình, để từ đó xây dựng một lộ trình ôn tập hợp lý. Khi có định hướng và kế hoạch cụ thể, học sinh có thể tiến hành ôn luyện một cách hiệu quả đồng thời giảm sự hoang mang, lo sợ với kỳ thi trước mắt. Với cương vị của một người mẹ, đồng thời cũng là một giáo viên chuyên luyện thi vào 10, cô Phạm Thị Thúy Ngọc - Phó Hiệu trưởng trường THCS Trung Tú (Hà Nội) đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ có con học lớp 9: “Để giảm áp lực thi cử cho con, các phụ huynh hãy cùng xây dựng một bảng thời gian biểu để cân bằng việc học tập và giải trí. Bên cạnh việc ôn thi, giờ giải lao sẽ là giây phút các em thư giãn, lấy lại tinh thần để có thể tiếp tục “chiến đấu” cho kỳ thi sắp tới”.

77.000 học sinh THCS có thể được học lớp 10 công lập

Thông tin mới nhất của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2022-2023, các trường THPT tại Hà Nội tuyển khoảng 104.000 học sinh, trong đó, các trường công lập tuyển khoảng 77.000 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển khoảng 27.000 học sinh; các trung tâm Giáo dục dạy nghề, Giáo dục thường xuyên tuyển khoảng 12.900 học sinh; khoảng 12.000 học sinh sẽ được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xét tuyển. Việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên dành cho các đối tượng là học sinh đã tốt nghiệp THCS chương trình giáo dục phổ thông (hoặc chương trình Giáo dục thường xuyên trong độ tuổi theo quy định), học sinh hoặc bố mẹ của học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội (hoặc có Giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú theo quy định).

Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập. Thí sinh sẽ phải hoàn thành 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh lựa chọn 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường THCS). Các bài thi môn Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi.

Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút, có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc có 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính. Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS.

Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao; đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng. Trong đề thi, mức độ yêu cầu kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian, đảm bảo theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và các văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội.