Vật chứng sẽ được trả lại nếu không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Cách đây hơn 2 tháng, tôi bị đối tượng không rõ lai lịch giả danh là đại diện Cơ quan điều tra gọi điện dọa nạt, rồi lừa tôi chuyển 200 triệu đồng tiết kiệm vào số tài khoản do đối tượng này cung cấp. Nhưng ngay sau khi chuyển tiền, tôi nhận ra mình bị lừa đảo nên trình báo cơ quan công an. Ngay sau đó, cơ quan công an đã kịp thời phối hợp với ngân hàng ngăn chặn nên tôi không bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên. Tuy nhiên, sự việc đến nay đã khá lâu nhưng tôi vẫn chưa được trao trả lại số tiền 200 triệu đồng. Tôi hỏi cơ quan công an giải quyết vụ việc thì được trả lời rằng phải chờ khởi tố vụ án và điều tra làm rõ thì mới được trả lại tiền. Xin hỏi luật sư, theo quy định pháp luật thì việc trao trả lại tài sản, tiền cho bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thế nào? Khi không may bị lừa đảo như trường hợp của tôi thì cần trình báo cho ngân hàng hay cơ quan công an trước? Và theo luật sư làm thế nào để mọi người không rơi vào tình huống bị lừa đảo như tôi? Nguyễn Thị Thu (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Theo quy định tại Điều 89 - Bộ luật Tố tụng hình sự, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Như vậy, số tiền của bạn do người phạm tội lừa đảo bạn mà công an thu giữ được gọi là vật chứng của vụ án.

Về xử lý vật chứng, Điều 106 - Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện Kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử và do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản”. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền nêu trên có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

Theo quy định của pháp luật thì số tiền của bạn do bị người khác lừa đảo, cơ quan công an đang tạm giữ, hiện đang trong giai đoạn điều tra nên sẽ do cơ quan công an quyết định. Vụ án hiện chưa được khởi tố nên việc cơ quan trả lời bạn như vậy là đúng quy định pháp luật. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án nếu các cơ quan tố tụng xét thấy việc trả lại tiền cho bạn không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án thì họ sẽ xem xét trả lại cho bạn. Còn nếu xét thấy việc trả lại cho bạn sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và tòa án tuyên trả lại cho bạn thì lúc đó cơ quan thi hành án dân sự sẽ thực hiện trả lại bạn theo trình tự pháp luật quy định.

Cụ thể, Điều 36 - Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014: “Việc trả lại tiền, tài sản cho đương sự được thực hiện khi có quyết định thi hành án chủ động của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án”. Theo đó, trình tự, thủ tục trả lại tài sản được tiến hành như sau: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự. Trường hợp người được trả lại tiền, tài sản tạm giữ đồng thời là người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên xử lý tiền, tài sản đó để thi hành án. Sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản.

Tiếp đến là hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 - Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Và hết thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ Nhà nước.

Cơ quan chức năng tiến hành bàn giao tài sản cho chủ sở hữu (Ảnh minh họa)

Cơ quan chức năng tiến hành bàn giao tài sản cho chủ sở hữu (Ảnh minh họa)

Từ những phân tích trên, nếu khi gặp trường hợp lừa đảo tương tự như bạn trình bày mà xét thấy bản thân không có những hành vi như đe dọa thì phải trình báo cơ quan công an càng sớm càng tốt chứ không được tùy tiện chuyển tiền. Việc lừa đảo của các đối tượng như lừa đảo bạn trong thời gian qua tương đối phổ biến và cơ quan công an cũng như các cơ quan thông tin truyền thông vẫn thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo. Trường hợp đã chuyển tiền thì ngoài việc trình báo cơ quan công an thì cần thông báo với ngân hàng nơi chuyển tiền để ngăn chặn càng sớm càng tốt.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.