Vào cuộc sớm để chặn thực phẩm bẩn tràn ra thị trường dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của Hà Nội đã tổ chức được 48.263 lượt kiểm tra về an toàn thực phẩm, qua đó phát hiện và xử lý 6.588 cơ sở vi phạm. Con số này sẽ còn tăng ở thời điểm cuối năm.
Đoàn kiểm tra của Chi cục ATVSTP Hà Nội kiểm tra tại quận Nam Từ Liêm
Đoàn kiểm tra của Chi cục ATVSTP Hà Nội kiểm tra tại quận Nam Từ Liêm

Vẫn còn gần 20% cơ sở có vi phạm

Từ đầu năm 2021 đến nay, cùng với việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP). Qua kiểm tra cho thấy, tỷ lệ số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội bị phát hiện có sai phạm vẫn còn cao, chiếm gần 20%.

Cụ thể, tại quận Hoàng Mai, từ đầu năm 2021 đến nay, 18 đoàn kiểm tra ATTP của quận và các phường đã tiến hành kiểm tra 186 lượt cơ sở, trong đó có 155 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 83,33%) và 31 cơ sở có vi phạm (chiếm 16,67%) bị xử phạt với số tiền 227 triệu đồng.

Hay tại quận Cầu Giấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 9 tháng vừa qua 14 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP cấp phường của quận cũng đã kiểm tra, giám sát được 552/1.603 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn là 375, phát hiện 177 cơ sở có sai phạm. Tại cấp quận, các đoàn kiểm tra của quận tiến hành kiểm tra được 175/1.450 cơ sở, phát hiện 42 cơ sở có vi phạm... Tổng cộng, các đoàn của quận đã xử phạt hơn 726,5 triệu đồng đối với cơ sở vi phạm.

Theo bà Nguyễn Thị Tô Hà, Phó Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy, các lỗi vi phạm mà các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn quận thường gặp phải, như: Chưa đăng ký kinh doanh; không thực hiện hoặc thực hiện lưu mẫu không đúng quy định; thiếu giấy khám sức khỏe của nhân viên, nhân viên không mặc trang phục bảo hộ, đeo găng tay, đội mũ; tủ bảo quản xếp lẫn lộn thực phẩm sống - chín...

Tính chung trên toàn địa bàn Hà Nội, trong 11 tháng năm 2021, các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 48.263 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm 6.588 cơ sở với số tiền phạt gần 3,7 tỷ đồng.

Tăng cường giám sát trong mùa cao điểm cuối năm

Vào những tháng cuối năm như hiện nay, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao, khiến vi phạm ATTP có nguy cơ gia tăng. Đây cũng là thời điểm để gian thương lợi dụng, tung ra thị trường những thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Vì thế, việc tập trung kiểm tra, giám sát để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” càng phải đẩy mạnh.

Bà Nguyễn Thị Tô Hà cho biết, quận Cầu Giấy đang tiếp tục triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP dịp điểm cuối năm, thời điểm trước và sau Tết, tập trung vào mặt hàng được tiêu dùng nhiều. Trong đó, sẽ tăng cường rà soát, thống kê, cấp phép hoạt động kinh doanh rượu trên địa bàn quận; hạn chế tối đa việc kinh doanh rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên – đơn vị vừa được xếp loại xuất sắc về công tác ATTP của Hà Nội trong năm 2021 – cho biết, một điểm nhất tại Long Biên là hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP của quận và 14 phường được duy trì thường xuyên. Hiện tại, quận đang tăng cường vào nhiệm vụ bảo đảm ATTP trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2022.

Liên quan đến công tác này, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, bên cạnh thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn chất lượng lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm.

Ông Phong cũng đề nghị phải cung cấp thông tin các cơ sở đạt và không đạt về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.