Vàng lậu về Hà Nội, rồi… đi đâu?

ANTĐ - Câu hỏi này rất cần được làm rõ sau 2 vụ phát hiện, bắt giữ hơn 35kg vàng nhập lậu tại địa bàn Hà Nội trong khoảng 1 tháng qua.

“Phu” vàng Đặng Minh Tuấn tường trình tại cơ quan công an

Hai vụ lớn

Cùng tìm hiểu hành trình của vàng lậu từ vụ “phu” vàng Đặng Minh Tuấn (SN 1986), quê quán  phường Đông Vĩnh, TP Vinh, Nghệ An; hiện tạm trú ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, bị lực lượng CSKT Hà Nội phát hiện, bắt giữ sáng sớm 30-1. Tuấn vốn là nhân viên một công ty chuyên doanh sửa chữa phụ tùng xe máy. Còn trẻ tuổi, gương mặt khá thư sinh, nhưng mọi câu trả lời của Tuấn tại cơ quan công an lại tỏ ra khá “tỉnh”. “Em được một anh ở cùng quê nhờ mang vàng ra Hà Nội. Anh ấy dặn cứ ra đến bến xe, về nhà sẽ có người liên lạc tiếp để nhận “hàng”, Tuấn lặp đi lặp lại câu trả lời này trước câu hỏi của PV rằng ai là người thuê cậu ta mang 10kg vàng thỏi ra Hà Nội. Có lẽ duy nhất sự thành thật ở cậu trai 26 tuổi này là “em đã nhận đủ tiền công vận chuyển 1 triệu đồng trước khi lên xe khách”.

Kết quả giám định số vàng thu giữ của Tuấn cho thấy, cả 10 thỏi vàng có hàm lượng 99,99; có nguồn gốc từ Thái Lan. 10kg vàng trên thị trường tương đương với 270 cây vàng, có giá trị khoảng 12 tỷ đồng. Và nếu phi vụ buôn vàng lậu này trót lọt, với mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới là 1,2 triệu đồng/ cây (theo số liệu ngày 31-1), thì đầu nậu vàng kiếm được không dưới 300 triệu đồng.

Trong giới kinh doanh vàng, 10kg - thỏi - vàng thu giữ của Đặng Minh Tuấn được gọi là vàng “mặt xấu”. Bởi nó còn nguyên những seri, ký hiệu để phân định nguồn gốc, xuất xứ. Loại vàng này chính là nguyên liệu để chế tác vàng miếng và  các sản phẩm của vàng. Còn một dạng khác, vàng “mặt đẹp”, nghĩa là cũng đã được đúc thỏi, đúc miếng, nhưng lại không có bất kỳ ký hiệu nào. Vàng “mặt xấu” xuất hiện trong vụ vận chuyển hơn 25kg vàng, liên quan đến 2 “phu” vàng là Trần Văn Hải (SN 1972), thường trú tại TP Yên Bái; và Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1965), thường trú tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai. Ngày 21-12-2011, Thủy và Hải bị bắt quả tang trên tàu hỏa từ Lào Cai về Hà Nội, khi đang mang theo số vàng trên. Theo lực lượng chức năng, toàn bộ số hàng hóa trên đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có khả năng, đầu nậu đã mua gom rồi đúc thỏi, miếng, từ đó mới chuyển về nội địa tiêu thụ. Vì vậy, trên bề mặt những miếng kim loại quý hiếm ấy không có ký hiệu, mã số gì.


“Phát” mạnh nhờ tâm lý người dân

“Hoạt động buôn lậu vàng có dấu hiệu “sôi động”, phần quan trọng chính là do tâm lý của người dân”, một cán bộ Phòng CSKT Công an Hà Nội nhận định. Nếu như trong nước, hoạt động kinh doanh vàng nói riêng nghỉ từ ít nhất ngày 30 đến mùng 8 Tết; thì trên thế giới, các thị trường vàng không hề nghỉ. Hoạt động mua gom vàng từ các nước xung quanh Việt Nam được các đầu nậu thực hiện trước, trong và sau Tết, sau đó tìm cách chuyển về các địa bàn trung tâm vốn luôn “sốt” vàng để tiêu thụ. Kinh doanh vàng… lậu bị xem là nhiều rủi ro, bởi được thì lãi to, bị bắt thì mất trắng, chưa kể việc bị xem xét xử lý hình sự. Thế nhưng các đầu nậu vàng có vẻ không mấy ngại ngần.

Việc phát hiện, “đánh” trúng các đường dây, đối tượng buôn lậu vàng là hết sức cần thiết. Song quan trọng không kém, cơ quan chức năng cần tìm được những đầu mối nào sẽ tiếp nhận, thu mua vàng lậu. Cá nhân, hộ gia đình chắc chắn là không. Phải là những cửa hiệu, thậm chí doanh nghiệp, công ty. Một cán bộ chức năng đã không phủ định giả thiết chúng tôi đặt ra: “Liệu ngay cả những doanh nghiệp có thương hiệu sẽ mua vàng nhập lậu, sau đó về gia công và “đóng” nhãn mác của mình lên sản phẩm vàng?”.

Hoạt động buôn lậu vàng “phát” nhờ thị trường trong nước, và nhờ tâm lý thiếu tỉnh táo của người dân. Nhưng trước khi đến được tay người dân, vàng lậu ắt phải qua “cầu” nào đó. “Đánh” trúng được những chiếc “cầu” này, rất có thể, những “cơn sốt” vàng sẽ giảm.