Vẫn khó quy trách nhiệm cá nhân

ANTĐ - Ngày 3-11, trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nêu rõ, sau hơn 12 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Chính phủ đã tập trung quản lý, điều hành vĩ mô trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội; từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quản của các bộ đối với doanh nghiệp; tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công của các bộ, cơ quan ngang bộ; xây dựng nền hành chính Nhà nước thống nhất, thông suốt, liên tục và hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. 

Chính phủ đã xây dựng và kiện toàn bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; khắc phục những chồng chéo, trùng lắp trong hoạt... Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 chưa bao quát được hết các chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong quá trình điều hành hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương. 

Để nâng cao hiệu quả của các cơ quan Nhà nước cũng như có địa chỉ để quy trách nhiệm của các cơ quan điều hành, trả lời câu hỏi của báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 3-11 về việc quy định từ chức đã có trong Luật Cán bộ công chức, từ năm 2008 nhưng đến nay chưa được thực hiện trong thực tế, chưa có trường hợp nào từ chức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết:  “Tiến tới luật pháp phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ, nguyên tắc về tập trung dân chủ, trách nhiệm của thủ trưởng một cách rạch ròi. Khi chức trách rõ ràng, bất kỳ người nào có tự trọng khi nhận nhiệm vụ sẽ phải cân đong, đo đếm cẩn thận. Hiện nay do phân công, trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể chưa rõ ràng, có khi một người lại thực hiện quyết định của người khác (người có thẩm quyền), hay quyết định của tập thể nên không thể quy trách nhiệm cho một người. Tôi hy vọng trong thời gian tới, vấn đề này sẽ được quy định chặt chẽ, như thế sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước”.