Vận động đầu thú trong vùng ma túy: Còn nhiều trăn trở

ANTĐ - Không triệt để được như đã làm ở Hòa Bình, việc vận động đầu thú ở Loóng Luông (Mộc Châu, Sơn La) vất vả hơn rất nhiều. Kết thúc 4 tháng lăn lộn, đã có 22 đối tượng ra đầu thú, bắt giữ 2 đối tượng nguy hiểm có hành vi chống đối nhưng sau đó lại có người bị tái truy nã.

Đi sâu, đi sát địa bàn, tổ công tác “135” bất chấp hiểm nguy

để ngày càng có nhiều đối tượng truy nã ra đầu thú

Sau 4 tháng hoạt động tích cực, bám sát địa bàn và có sự ủng hộ của các cơ quan khác, tổ công tác vận động 19 đối tượng truy nã, trong đó có 3 đối tượng mang 2 lệnh truy nã đem theo cả vũ khí ra đầu thú. Riêng trong ngày 13-10-2011 tổ công tác tiếp nhận tới 3 đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Đó là Sồng A Giàng, SN 1984, Sồng A Khúa và Tráng A Chứ, SN 1973, cùng trú tại bản Co Tang, xã Loóng Luông. Sồng A Giàng có 2 lệnh truy nã đặc biệt của Cục CSĐT tội phạm về ma túy và Công an Hà Nội về tội mua bán trái phép chất ma túy từ năm 2007. Sồng A Khúa là chú ruột của Giàng, cũng bị bắt khi đang vận chuyển 2 bánh heroin và đã lẩn trốn nhiều năm nay. Còn Tráng A Chứ là em rể của Giàng bị bắt khi đang cất 1 bánh heroin tại nhà. Bản thân Chứ cũng có em trai là Tráng A Cở đã bị thi hành án tử hình về tội ma túy tại Bắc Giang cách đây vài năm.

Sau khi thoát khỏi cảnh chui lủi trong bóng tối, luôn phải  lẩn tránh, không dám gặp ai, phần lớn các đối tượng bị truy nã đều thở phào như trút được gánh nặng. Sồng A Giàng cho hay: “Đêm nằm ngủ nghe tiếng cành cây gãy ngoài vườn, nghe tiếng chó sủa cũng giật mình, chỉ sợ có cán bộ vào vây bắt. Thèm ăn bát mỳ ngoài phố cũng không dám đi. Giờ ra đầu thú, ngủ cảm thấy ngon giấc hẳn. Em chỉ mong sao sớm trả được hết nợ pháp luật để được hưởng cuộc sống tự do”. 

Khi có 19 đối tượng ra đầu thú, tổ công tác 135 đã rất vui mừng vì kế hoạch vận động tạm gọi là thành công. Bên cạnh đó các anh cũng nắm được thông tin là có nhiều đối tượng đang có ý định sẽ ra đầu thú nên niềm vui càng nhân lên gấp bội. Nhiều người còn lạc quan hy vọng “lính truy nã sẽ thất nghiệp ở Loóng Luông”. Nhưng đường đi không phải lúc nào cũng thẳng, nó còn khúc quanh ngả rẽ. Ngay chính tại thời điểm đó, thông báo 71 của Bộ Công an chưa được áp dụng kịp thời, chưa có một phiên tòa xét xử những người đã ra đầu thú để các đối tượng truy nã thấy được sự khoan hồng của Đảng và Nhà Nước. Các đối tượng truy nã dù biết chính sách nhưng họ vẫn tiếp tục nghe ngóng xem những người đã đầu thú sẽ bị xét xử như thế nào. Cùng với đó, một khó khăn khác là quyết định đình nã quá chậm khiến những người đã ra đầu thú lo sợ, không tin tưởng lực lượng công an.

Vận động thành công một trường hợp ra đầu thú là cứu vãn được một cuộc đời

Trung tá Dương Đình Lập, thành viên tổ công tác vận động đầu thú cho biết: Lẽ ra, việc vận động đầu thú ở Loóng Luông sẽ có một hồi kết đẹp giống như ở Hang Kia, Pà Cò, Mai Châu - Hòa Bình. TAND tỉnh Hòa Bình khi có các đối tượng đầu thú đã vận dụng xử dưới khung cho một số bị cáo và các bị cáo còn nhanh chóng thi hành án tại các trại tạm giam. Trong khi đó, TAND tỉnh Sơn La đã chậm xét xử nhưng khi thí điểm xét xử một vụ lại quá cứng nhắc, không áp dụng xử các đối tượng dưới khung theo tinh thần của thông báo.

Có một vụ TAND tỉnh xét xử 3 đối tượng trong đó mức án của người đầu thú và bị bắt bằng nhau. Điều đó khiến các đối tượng “cốt cán” trong nhiều đường dây ma túy là người dân tộc Mông đang có ý định liền thôi luôn, không ra đầu thú. Đã xuất hiện một số trường hợp vì án tuyên không xét đến khía cạnh ra đầu thú, dù tòa đã tuyên song đối tượng lại trốn không thi hành án, do đó lại có thêm quyết định tái truy nã của cơ quan công an. Sau 4 tháng thực hiện kế hoạch 135 vận động được 22 đối tượng ra đầu thú, đến tháng 6-2012, các anh lại phải tiếp tục thực hiện kế hoạch 135 vì đối tượng có lệnh truy nã đã tăng thêm cùng với số có lệnh tái truy nã. 

Nhiệm vụ của các anh mỗi lúc một khó khăn hơn. Tại các bản như Lũng Xá, Tà Dê của xã Loóng Luông, gần như kết quả vận động bằng 0. Tại hai bản này, không có đối tượng nào ra đầu thú mặc dù ở đây có nhiều “ông trùm” trong giới buôn bán ma túy. Tổ công tác với sự hỗ trợ của Chi cục Kiểm lâm Sơn La vẫn lấy trạm kiểm lâm số 2 làm đại bản doanh. Ở nơi rừng núi, tự lo nấu nướng và các mặt sinh hoạt, khó khăn cũng nhiều nhưng vẫn khắc phục được. Điều các anh mong muốn nhất là tòa án khi xét xử các đối tượng người Mông ra đầu thú phải áp dụng chính sách khoan hồng, có vậy các anh mới tiếp tục được công việc đầy gian nan, nguy hiểm của mình.