Vẫn băn khoăn giá bồi thường đất

ANTĐ - Ngày 6-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự luật đã được trình Quốc hội qua 3 kỳ họp liên tiếp và dành được sự quan tâm, theo dõi đặc biệt bởi sự tác động sâu rộng của nó tới đời sống người dân.

Vẫn băn khoăn giá bồi thường đất  ảnh 1
Quy định về giá đất được cho còn quá chung chung và không giải quyết được mong muốn
của người dân có đất bị thu hồi (Ảnh minh họa)


Thu “trắng” đất vi phạm

Dẫn thực trạng đất thu hồi tràn lan song bỏ hoang, gây lãng phí lớn, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) kiến nghị, phải bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi đất, tránh tình trạng áp dụng một cách bừa bãi, vượt quá giới hạn. Cũng bức xúc với dự án “treo” có mặt ở khắp nơi, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch “treo”. “Phải làm rõ vấn đề này. Không thể để các dự án “treo” từ năm này qua năm khác, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất” - ĐB Lê Thị Công nói.

Cho rằng chế tài xử lý dự án “treo” tại dự thảo luật thiếu tính khả thi, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) đồng tình quy định thu hồi “trắng”, không bồi thường đối với các trường hợp vi phạm. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” còn có nhiều tranh cãi. Bà cho rằng, khái niệm về sở hữu toàn dân là quá chung chung và có tính pháp lý chưa cao và chưa thật đúng với thực tế. “Tôi đề nghị quy định là sở hữu Nhà nước, sẽ có cơ sở pháp lý hơn và quy định vậy cũng không làm mất đi bản chất của chế độ” – ĐB Đàng Thị Mỹ Hương  góp ý. 

Phản ánh tâm tư của cử tri, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre), người dân than rằng mọi vấn đề đụng tới đất đai là có thuế và phí. “Không biết cái nào thuộc quản lý Nhà nước và dân được Nhà nước lo, cái nào là dịch vụ buộc phải thuê hoặc trả tiền? Sự chưa minh bạch này đã bị lạm dụng và thực tế ngân sách thu được từ đất chưa nhiều, trong khi nuôi bộ máy và nhiều vấn đề khác thì dân phải gánh chịu. Quốc hội nên cân nhắc kỹ về hai tổ chức đất đai này (văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và tổ chức phát triển quỹ đất)” – ĐB Đặng Thuần Phong nói.

Giá thị trường là giá nào?

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương cũng “chê” quy định về giá đất là quá chung chung và không giải quyết được mong muốn của người dân có đất bị thu hồi: “Bồi thường đất phải đảm bảo cho người dân khi bị thu hồi đất có cuộc sống bình thường, bằng hoặc tốt hơn so với trước. Đây là chủ trương đã nêu từ lâu nhưng có mấy nơi nào đã làm đúng, làm tốt, làm cho người dân bị thu hồi đất hài lòng với chính sách được đền bù. Đa phần người dân bị thua thiệt và bức xúc dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Tôi nghĩ phải công bằng với giá đất của thị trường để người dân có điều kiện tái hiện lại cuộc sống của mình.”

Đánh giá quy định “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” là một câu hỏi khó cho các cơ quan Nhà nước trong việc xác định giá đất bồi thường, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Chính quyền sẽ dựa vào đâu để nói với người dân là giá bồi thường đã được tính đúng, tính đủ? Người dân sẽ căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của mình đã được đảm bảo? Cần thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất và Nhà nước cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường, công bố giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu trong định giá đất.”

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đề xuất: “Khi thu hồi đất cần phải công khai, minh bạch. Giá cả cần được thỏa thuận với cộng đồng dân cư chứ không phải theo hình thức họp dân như hiện nay, nhưng thực chất đã do chính quyền quyết định rồi. Nhà nước cần thành lập cơ quan định giá đất và người dân bị thu hồi đất có quyền giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập.”

ĐBQH Trương Văn Vở ( Đồng Nai): Phân định rõ các dự án thu hồi đất

Vẫn băn khoăn giá bồi thường đất  ảnh 2

Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này đáp ứng được những nội dung cơ bản và có điểm rất mới là phần thu hồi đất có bồi thường hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ đời sống, việc làm cho người bị thu hồi đất. 

Dự án Luật Đất đai sửa đổi phải giải quyết tách bạch những dự án phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và lợi ích kinh tế xã hội. Riêng các dự án kinh tế xã hội, cần phân định rõ Nhà nước thu hồi đất đối với những dự án phục vụ lợi ích công cộng, hay lợi ích quốc gia và kể cả hạ tầng kinh tế phục vụ cho sự phát triển kinh tế. Nói cách khác là hạ tầng thu hồi đất để phục vụ cho việc phát triển các công trình phúc lợi xã hội. Nếu thu hồi đất cho các dự án kinh tế phục vụ các dự án đầu tư thuần túy, cần tính toán cân nhắc.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM): Luật đáp ứng được yêu cầu của người dân

Vẫn băn khoăn giá bồi thường đất  ảnh 3

Khi thu hồi đất, phải tổ chức lại cuộc sống của người dân, chứ không đơn thuần chỉ là đưa họ về nơi ở mới, bởi lẽ, cuộc sống của người dân còn là vấn đề văn hóa, giáo dục, y tế, cộng đồng dân cư. Luật Đất đai sửa đổi lần này đã thể hiện được vấn đề đó. Nghĩa là trước khi thu hồi đất, phải có chỗ để tái định cư và phải được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ với đường giao thông, trường học, y tế và các cơ sở văn hóa phải được đảm bảo, để người dân có cuộc sống tốt hơn. 

Khi người dân hy sinh để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, điều đó cần phải được ghi nhận bằng những chính sách, chứ không thể bằng lời nói. Người dân thường bất bình trong việc thu hồi đất là sự chênh lệch giá đất. Luật sửa đổi đặt ra vấn đề tài chính về đất đai, giá đất được tính lại và theo tôi đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của người dân. 

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc): Giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh

Vẫn băn khoăn giá bồi thường đất  ảnh 4

Luật Đất đai sửa đổi lần này tốt hơn nhiều so với luật trước đó, nhưng còn một số điểm cần cân nhắc để phù hợp hơn. 

Đối với doanh nghiệp, Luật Đất đai sửa đổi nếu thực hiện đúng, sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh và đi đúng hướng hơn, chứ không phải là cái bong bóng. Theo tôi, Luật sửa đổi lần này sẽ quản lý chặt chẽ hơn những vấn đề liên quan đến đất đai và bảo vệ quyền lợi cho người dân, cũng như những người thực hiện dự án.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Đảm bảo chính xác trong định giá đất

Vẫn băn khoăn giá bồi thường đất  ảnh 5

Theo tôi, giá đền bù đất từ xưa đến nay có kẽ hở trục lợi cho một nhóm lợi ích. Vì mục đích quốc phòng hay kinh tế, an sinh xã hội, người dân vẫn sẵn sàng giao đất. Tuy nhiên, giá trị đất người dân sử dụng bao năm nay, so với giá thị trường quá thấp, nảy sinh sự không công bằng. Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định rõ đền bù theo giá thời điểm thu hồi và theo tôi Chính phủ nên quy định rõ ngay ai là người thu hồi đất, đơn vị nào giám sát, tham gia… Ví dụ: Khi các tỉnh định giá đất, Hội đồng nhân dân đóng vai trò gì? ĐBQH tham gia vấn đề gì?... Đó là những vấn đề, yếu tố kèm theo để đảm bảo tính chính xác trong quá trình định giá đất.