Vạch trần hoạt động tổ chức tuyển “Cô dâu Việt” sang Trung Quốc (2)

ANTĐ - Không một tổ chức, cá nhân nào ở Trung Quốc được phép tổ chức hoạt động môi giới hôn nhân với người nước ngoài như những quảng bá rầm rộ trên các trang web của các công ty môi giới Trung Quốc và những giới thiệu của các “Tú bà” người Việt. Vậy tại sao các công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động, qua mặt các cơ quan chức năng Trung Quốc? 

Thủ đoạn lách luật của các “công ty ma” Trung Quốc

Cũng giống như Việt Nam, hoạt động môi giới hôn nhân ngoại quốc nói chung thuộc diện bị cấm ở Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng không cấp phép thành lập cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Ngay từ năm 1994, nhằm ngăn chặn tình trạng phụ nữ Trung Quốc bị lừa bán sang nước ngoài dưới hình thức “kết hôn giả” với người nước ngoài, văn phòng quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Thông tri về việc siết chặt công tác quản lý môi giới kết hôn với người nước ngoài”.

Thông tri này quy định: “Nghiêm cấm việc thành lập các cơ cấu giới thiệu, môi giới kết hôn với người nước ngoài. Các cơ cấu môi giới hôn nhân trong nước và tất cả các đơn vị có liên quan đều không được phép triển khai các hoạt động nghiệp vụ môi giới hoặc biến tướng của môi giới hôn nhân với người nước ngoài. Nghiêm cấm tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng các thủ đoạn lừa đảo hoặc kinh doanh trục lợi để thực hiện hành vi môi giới hoặc biến tướng của môi giới hôn nhân với người nước ngoài”.

Như vậy, chúng ta đã rõ là hành vi môi giới kết hôn của đàn ông Trung Quốc với tất cả người nước ngoài nói chung chứ không riêng cô dâu Việt Nam là hành động bị luật pháp Trung Quốc ngăn cấm. Không một tổ chức cá nhân nào ở Trung Quốc được phép tổ chức hoạt động này như những quảng bá rầm rộ trên các trang web Trung Quốc và những lời giới thiệu của các trung gian, môi giới người Việt Nam. Vậy tại sao các công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động, qua mặt các cơ quan chức năng Trung Quốc?

Điều này là bởi chúng đã núp bóng tư cách pháp nhân của các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngoài đại lục hoặc với 1 ngành nghề kinh doanh khác. Công ty môi giới hôn nhân của giám đốc Chu ở Nam Ninh được đăng ký dưới cái tên “Công ty môi giới hôn nhân quốc tế Hoa Ý - Hồng Kông”, còn văn phòng giới thiệu hôn nhân của Phan Thị Mỹ Lệ thì núp dưới cái bóng của “Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn thông tin kết giao Mỹ Tiên, Nam Ninh - Quảng Tây”. Trong mục đăng ký kinh doanh không hề có ngành nghề “môi giới hôn nhân nước ngoài”.

Các vụ "tuyển vợ" sang Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều (Ảnh minh họa)

Giấc mộng “Trượng phu Trung Hoa” thành “bong bóng xà phòng”

Trên một Website môi giới hôn nhân giới thiệu 3 thành phần khách hàng chính tham gia chọn vợ Việt Nam như sau: Phổ biến là loại thu nhập từ 3.000-5.000 nhân dân tệ (Rmb)/tháng, thường có độ tuổi 27-32, chiếm khoảng 40-50%; Loại có thu nhập 5.000-7.000 Rmb/tháng nằm trong độ tuổi từ 32-40, chiếm khoảng 30% và loại có thu nhập trên 7.000 Rmb/tháng chủ yếu thuộc tầm trung niên và chớm cao niên từ 40-60 tuổi. Loại khách hàng thu nhập khá này chỉ chiếm một phần nhỏ, khoảng 20% tổng số người tìm vợ.

Tuy nhiên trên thực tế, phổ biến những người sang Việt Nam tìm vợ là những người có mức sống không cao trong xã hội Trung Quốc, điều này cũng dễ hiểu vì nếu có thu nhập cao hẳn họ đã đủ khả năng lấy được một người vợ Trung Quốc. Ngay cả thu nhập từ 3.000-7.000 Rmb/tháng cũng chỉ tương đương 10 triệu - 24 triệu đồng Việt Nam, hơn nữa, đó chỉ là quy đổi đơn thuần, trong khi giá cả sinh hoạt ở Trung Quốc rất đắt đỏ, đó cũng chính là nguyên nhân mà đàn ông Trung Quốc khó lấy được vợ trong nước.

Chuyên gia xã hội học Trung Quốc Trương Hiểu Hoa phân tích, cuộc sống ở Trung Quốc không hề đơn giản như mọi người suy nghĩ, ít nhất 1 cô dâu Việt 1 năm phải gửi về quê khoảng 1 vạn Rmb (khoảng 35 triệu VND), chi phí thăm thân 1 lần về Việt Nam cũng tầm đó, chi phí điện thoại về gia đình cũng khoảng 4000 Rmb, người chồng Trung Quốc ở các thị trấn, thành phố nhỏ ít nhất thu nhập 1 năm phải đạt 4-5 vạn Rmb mới đủ trang trải cuộc sống gia đình, còn ở thành phố lớn thì lên tới 7-8 vạn Rmb.

Trong khi đó, theo Sách Trắng do văn phòng báo chí quốc vụ viện Trung Quốc phát hành ngày 14/05/2013, thu nhập bình quân năm 2012 của cư dân thành phố lớn Trung Quốc là 24.565 Rmb (3.962 USD), còn ở nông thôn chỉ là 7.917 Rmb, tương đương 1.285 USD! Từ điều này có thể nhận xét, phần lớn những người chồng Trung Quốc khó có thể bảo đảm một cuộc sống ổn định cho một người vợ nước ngoài như Việt Nam, cuộc sống ở nơi xứ người không hề tươi sáng như những gì các “ma cô”, “cò mồi”, "Tú bà" đã hứa hẹn với các cô gái Việt. 

Hình ảnh con gái Việt Nam bị đăng nhan nhản trên các trang mạng Trung Quốc (Ảnh minh họa)


Trên thực tế đã có những kẻ bị lột mặt nạ khi khoe khoang thu nhập cao ngất ngưởng, nhưng khi đến Việt Nam lại bộc lộ thói quen hà tiện trong ăn ở, sinh hoạt khiến cô dâu phải bỏ của chạy lấy người, tuy nhiên không lấy được “chồng Trung Hoa” lại chính là sự may mắn của họ. Có những cô dâu Việt đã vỡ mộng khi viễn cảnh về nhà lầu, xe hơi đã tan thành bong bóng xà phòng khi đến Trung Quốc được “ở nhà vách đất, đi xe công nông”, cuộc sống vừa mưu sinh vừa phục vụ nhà chồng, còn vất vả hơn ở quê hương nhiều lần.

Còn có những cô dâu Việt gặp phải cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó”, khi đến Việt Nam hỏi vợ là một người, còn sang Trung Quốc thì chồng lại là một kẻ tàn tật, một ông già hoặc người thiểu năng trí tuệ, hiện tượng “người vợ” biến thành “người ở” là rất phổ biến ở các vùng miền… Thậm chí có người còn bị bán vào nhà chứa, chứ không phải được sang Trung Quốc lấy chồng. Uất ức nhưng lạ nước, lạ người, không thông thuộc ngôn ngữ, nên họ đành ngậm đắng nuốt cay trên đất Trung Quốc.

Chặt đứt vòi bạch tuộc của những kẻ “buôn người”

Hiện nay, tìm vợ Việt Nam đang là xu hướng phổ biến của lớp đàn ông Trung Quốc không thể lấy được vợ trên chính quê hương mình. Người đến với các công ty môi giới từ khắp mọi miền Trung Quốc: Từ Chiết Giang, Phúc Kiến, Cát Lâm, Hắc Long Giang cho đến Liêu Ninh, Sơn Tây, Quý Châu…, bao gồm đủ mọi độ tuổi, mọi thành phần xã hội. Vì vậy, các công ty môi giới hôn nhân cứ lũ lượt mọc lên và không có dấu hiệu suy giảm trong sự “nhắm mắt làm ngơ” của chính quyền địa phương Trung Quốc. Tuyển “cô dâu Việt” không còn là hoạt động môi giới hôn nhân thông thường, mà đã trở thành hoạt động buôn người, trục lợi trên thân xác phụ nữ Việt Nam. 

Lập một công ty môi giới hôn nhân chỉ mất có vài ngàn nhân dân, lương tháng của nhân viên môi giới khoảng 1.000 nhân dân tệ, hoàn tất một hợp đồng hôn nhân họ được thưởng vài trăm nhân dân tệ. Trong khi đó, mỗi một hợp đồng trọn gói, các ông chủ công ty thu lời đến 1,5 vạn nhân dân tệ. Vì vậy, ở tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn giáp biên Việt Nam như Phòng Thành, Đông Hưng, Ninh Minh, Bằng Tường…, các chi nhánh của những công ty kiểu này mọc lên như nấm sau mưa. 

Vạch trần hoạt động tổ chức tuyển “Cô dâu Việt” sang Trung Quốc (2) ảnh 3

Các vụ "tuyển vợ" sang Trung Quốc ngày càng tinh vi (Ảnh minh họa)


Về thực chất, phần lớn những người đàn ông này không đủ khả năng để lấy một người vợ Trung Quốc và cũng không thể bảo đảm được cuộc sống cho 1 người vợ Việt Nam. Thế nhưng tại sao các cô gái Việt Nam lại rất hào hứng với viễn cảnh lấy chồng Trung Quốc? Điều đó xuất phát từ chuỗi các hành động lừa đảo mà những công ty, văn phòng giới thiệu hôn nhân Trung Quốc, những “ma cô”, “Tú bà” người Việt đã lừa dối những cô gái Việt Nam đang ôm mộng “đổi đời”. 

Chúng thi nhau lừa gạt con gái Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng vì lợi nhuận khổng lồ. Những “đầu nậu” nhỏ 1 năm có thể kiếm được đến 30-50 vạn Tệ, còn như Văn phòng môi giới hôn nhân của Phan Thị Mỹ Lệ và ông chủ Công ty môi giới, quản lý trang web “Tìm nửa ấy người Việt Nam”, 1 năm có thể lãi ròng đến hàng triệu Rmb. Một "Tú bà" người Việt cũng có thể kiếm được từ thân xác mỗi cô gái khoảng 5000 Rmb (khoảng 17 triệu VND) hoặc cao hơn nữa. Vì vậy, có nhiều kẻ táng tận lương tâm đã quay về quê hương để lừa gạt đồng bào mình nhằm kiếm lợi.

Hiện nay, tuyển “cô dâu Việt” không còn là hoạt động môi giới hôn nhân thông thường mà đã trở thành hoạt động buôn người, trục lợi trên thân xác phụ nữ Việt Nam. Để bảo vệ danh dự, phẩm giá và quyền lợi của phụ nữ Việt Nam, các hành động phi pháp này cần phải bị ngăn chặn và kịp thời nghiêm trị. Để chặn đứng hoạt động “buôn người” trá hình, ngoài nỗ lực của phía Việt Nam, cần có sự phối hợp đồng bộ của phía Trung Quốc để chặt đứt các vòi bạch tuộc của chúng.

Trước hết, công an Việt Nam cần cung cấp thông tin và phối hợp với công an Trung Quốc rà soát các công ty, văn phòng môi giới hôn nhân trá hình. Thứ 2 là chính quyền các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về các hoạt động trái phép này và những hậu quả của nó. Thứ 3 là cần phải rà soát các đối tượng khả nghi trong nước và những người Hoa gốc Việt ngay từ khi chúng nhập cảnh về Việt Nam. Cuối cùng là tổ chức phong trào an ninh nhân dân kịp thời phát hiện và tố giác những tụ điểm tập trung các cô gái lạ ở địa phương. Nếu làm được như thế, chúng ta hoàn toàn có thể chặn đứng được hành những hành động phi pháp này.