"Vạch áo" cho… dân xem

ANTĐ - Người ta thường nói, nhìn thấy cái sai của mình đã khó, dám nói và sửa cái sai đó lại càng khó gấp đôi.

- Ông hay triết lý dài dòng, rối rắm. Tôi chỉ thích cụ thể “người thật, việc thật”.

- Người thật thì hơi bị hiếm, việc thật lại rất nhiều. Người thật là ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thẳng thắn, gay gắt “phang” ông Tổng cục Đường bộ ngay tại hội nghị: “Tôi nghe nhiều chuyện về biển báo giao thông bất hợp lý, chưa thay được thì cứ nhổ vứt đi. Không làm được thì cho mấy bà đồng nát ra tháo, chứ để đó chỉ gây bức xúc cho người dân”.

- Có một ông Bộ trưởng nói trắng ra cái sai của “quân tướng” mình, quả là “hiện tượng” xưa nay hiếm.

- Thế mới đúng là “tư lệnh” chứ. Ông ta cũng chẳng giấu giếm, sợ mất lòng, mất mặt cấp dưới khi nói: “Bản tin giao thông phát lúc 6h45, tôi gọi điện lúc 7h30, có những cán bộ có trách nhiệm vẫn còn ngủ. Làm lãnh đạo như thế làm sao đường sá tốt được?”.

- “Sự thật mất lòng”, nghe những lời đó thật trúng lòng dân, tôi không rõ mấy vị cán bộ kia có “tỉnh giấc” soi lại mình?

- Xưa nay có câu “Vạch áo cho người xem lưng”, vị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải không ngần ngại yêu cầu lãnh đạo ngành đường bộ “thử đu dây qua sông xem có sợ không” để chia sẻ khó khăn với người dân.

- Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ không nên “vạch áo” mà chỉ “đóng cửa bảo nhau” thôi. Tôi lại cho rằng, trong nội bộ một bộ, một ngành cần phải “vạch áo” cho… dân xem thì mới sửa được những cái sai.

- Nói theo ngôn ngữ bây giờ, “vạch áo” tức là tự phê bình, đúng không ông?