Vã mồ hôi vì... giá
(ANTĐ) - Những ngày này, tiết trời giá buốt chưa từng thấy trong suốt 10 năm trở lại đây. Buổi sáng đi làm, bước vào hàng quà sáng thường ngày giá chỉ có 12.000 đồng nay phải móc túi trả thêm thành 15.000 đồng. Bà chủ quán nở nụ cười xin thông cảm: “Cái gì cũng lên giá”. Đến công sở, ngó vào báo toàn thấy những dòng chữ “Một cái Tết đắt đỏ”, “Phải tăng cường kiểm soát giá”. Chiều về nhà, bên mâm cơm, vợ con đều “đồng thanh” kể lể hàng hóa tăng giá từ mớ rau, con cá tới miếng thịt. Trời rét mà thấy vã mồ hôi vì giá cả.
Chẳng riêng gì nước ta, giá sinh hoạt trên khắp thế giới đều tăng chóng mặt từ khi giá dầu tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Đó là phản ứng tất yếu của quy luật thị trường khi mà dầu mỏ đã trở thành “xương sống” của chỉ số giá cả. Tại các nước châu Á, giá cả khiến Chính phủ, các Bộ Thương mại, Công thương cho tới người dân “nhức đầu”, vã mồ hôi hột. ở Nhật Bản, hơn 1/2 tổng sản phẩm hàng hóa tăng giá liên tục từ nửa năm nay.
Chi phí giao thông - vận tải tăng 7,1% so với năm trước, giá dịch vụ tăng 23,3%. ở Thái Lan, Bộ Thương mại sửa lại khung giá trần cho phép giới sản xuất tăng giá bán lẻ dầu cọ, đậu nành, các sản phẩm sữa. ở Trung Quốc, giá thực phẩm chiếm 1/3 hàng hóa tiêu dùng tăng tới 17,6%. Giá dầu ăn, rau quả, thịt gia cầm tăng từ 29,9 đến 38%. Giá cả tăng cũng không “buông tha” ngay cả siêu cường giàu mạnh Hoa Kỳ.
Cuối năm 2007 vừa qua, người dân Mỹ phải hứng chịu đợt “bão” giá kinh khủng nhất từ năm 1990: Giá sữa tăng 21%, thịt bò 6,4%, giá sinh hoạt phải “công” thêm 4%. Còn tại châu Âu, mùa Giáng sinh vừa rồi, không ít gia đình phải bớt thắp nến đón Noel bởi vật giá đắt đỏ. Giá trứng, thịt xông khói, bơ sữa, thịt gà tây đã “rủ nhau” cùng leo giá trong các siêu thị.
Nhìn lướt qua thị trường thế giới để thấy là giá dầu mỏ tăng vọt như vết dầu loang phủ khắp toàn cầu, chẳng chừa một quốc gia nào. Chỉ có điều nước giàu, dân giàu thì đỡ lao đao hơn. Ngay dân Mỹ cũng được khuyến cáo chuẩn bị đối mặt đợt “khủng bố” giá cả bởi dầu thô quyết định số phận của hàng loạt ngành công nghiệp: nhựa, polyester, cao su, thuốc tẩy, phân hóa học, thuốc trừ sâu, dược phẩm cho tới son môi, nước hoa.
Một tờ báo Mỹ từng viết: “Khi giá trứng tăng, nó có thể không làm vỡ ngân sách một gia đình mà chỉ khiến cồn cào dạ dày một chút. Tuy nhiên, với nhiều gia đình Mỹ, sự cồn cào như thế đang tăng dần”. Vấn đề nằm ở chỗ, “bàn tay” điều tiết, điều hành và kiểm soát giá cả của Nhà nước như thế nào? ở Việt Nam đầu tháng 1-2008 này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết.
Tuy vậy, dân tình vẫn tỏ ra lo ngại bởi thị trường hàng hóa tiêu dùng, nhu yếu phẩm trong Tết lại chủ yếu phân phối qua các kênh bán lẻ của thị trường tự do. Vì thế nếu chỉ kiểm soát được giá cả đầu nguồn là các doanh nghiệp sản xuất, siêu thị và đầu mối lớn thì qua các kênh trung gian này, giá cả sẽ bị đội lên cùng với chi phí vận chuyển và tình trạng “té nước theo mưa”.
Điều đáng ngạc nhiên là, trong lúc người dân “vã mồ hôi” vì giá thì ông Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà nội lại “vô tình” bật đèn xanh cho giá tăng. Ông này “thật thà” lôi hết trong kho dự trữ ra cho thấy, Nhà nước lấy đâu ra hàng mà phục vụ, dự trữ chẳng nhằm nhò gì. Rằng, thậm chí chẳng có con lợn, con gà nào nhốt trong chuồng.
Rằng, Tết này giá phải tăng từ 10-15%, mà giá tăng lên là do các nhà sản xuất tăng, muốn tăng bao nhiêu thì hệ thống siêu thị phải chịu bấy nhiêu. Thật hết chỗ nói! Thế chẳng hóa ra là “Vẽ đường cho hươu chạy”, ngấm ngầm khuyến khích thị trường tăng giá đó sao?
Tất nhiên, Nhà nước chỉ nắm quyền điều tiết giá những mặt hàng có ảnh hưởng quốc kế dân sinh. Song, doanh nghiệp chỉ được bán giá với lợi nhuận thích hợp, chứ không thể muốn bán giá nào, thu siêu lợi nhuận bao nhiêu cũng được. Lợi dụng Tết đầu cơ, tăng giá tùy tiện thì phải thẳng tay xử lý!
Đan Thanh