Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc nhiều doanh nghiệp xăng dầu đóng cửa, chứng khoán giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu, trách nhiệm trong công tác điều hành giá để rút kinh nghiệm, nhất là khi vừa qua nhiều cửa hàng xăng dầu thường xuyên đóng cửa...
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp Quốc hội

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp Quốc hội

Tại phiên họp của Quốc hội sáng 20-10, trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022.

Theo ông Thanh, ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội…

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận xét, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình phục hồi kinh tế còn thấp khi cuối tháng 9 mới đạt hơn 20% tổng số vốn chương trình.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, lạm phát được kiểm soát, song giá xăng dầu trong nước tăng ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.

“Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai” - ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh song nhiều biến động, nhiều phiên giảm điểm sâu.

Nhắc tới một số vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

“Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, và đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn” - ông Vũ Hồng Thanh nói.