Tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,3% (396 vụ)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ 1/10/2021-31/7/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 36,61%), song tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% (với 396 vụ) so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33%

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo Báo cáo về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ, từ 1/10/2021-31/7/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,61%; song tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% (với 396 vụ) so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tại phiên họp
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tại phiên họp

Cử tri và nhân dân đánh giá cao công tác hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và bày tỏ sự đồng tình ủng hộ, đánh giá rất cao việc kiên quyết xử lý theo kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.

Cử tri đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án “đưa và nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch COVID-19; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật” ở một số Tập đoàn như tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ việc trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác…

Cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách

Về tình hình phát triển kinh tế, cử tri và nhân dân cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn tạo nhiều điểm sáng tích cực.

GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

Song, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là việc học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng.

Công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu như do mức chiết khấu thấp người kinh doanh xăng dầu không có lãi nên đóng cửa hàng làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất ở một số địa phương.

Tuy đánh giá cao ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều cố gắng chuẩn bị các điều kiện dạy và học và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; song nhiều cử tri cho rằng, hiện nay thực hiện cải cách giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng như sách giáo khoa để cho học sinh lớp 10 chọn tổ hợp các môn, chương trình giáo dục theo sách giáo khoa mới chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dạy, người học và phụ huynh.

Nguyên nhân là do các môn học riêng biệt được tích hợp từ nhiều môn học thành môn khoa học tự nhiên, môn khoa học xã hội, môn nghệ thuật trong đó, mỗi phân môn gồm một số chương thể hiện sự sắp xếp chương trình gò ép dẫn đến bố trí giáo viên giảng dạy môn học rất khó khăn và thiếu sự thống nhất giữa các trường.

Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông trong toàn quốc tạo nên “cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách”. Ngoài ra, thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các nhà trường khiến nhiều phụ huynh gặp nhiều khó khăn.

Về chính sách tiền lương, cử tri đề nghị thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.