- Hà Nội: Ba công trình lớn đi vào hoạt động
- Quy hoạch đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài theo ý tưởng “Rồng đón ngọc”
- Hà Nội dẫn đầu cả nước nhiều lĩnh vực
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, năm 2014, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, Hà Nội đã quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo và điều hành, linh hoạt trong quản lý và năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả khá toàn diện. Kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá. Lạm phát được kiểm soát. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững…
Để tạo điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách (ít nhất là 45%, hiện tại là 42%); cho phép Hà Nội được huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, với mức dư nợ từ nguồn vốn huy động tối đa không quá 150% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước của ngân sách TP.
TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ để lại số tiền cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, để có nguồn tái cơ cấu doanh nghiệp và cấp vốn pháp định cho công ty Đường sắt đô thị đã được Chính phủ cho phép thành lập.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nội đề nghị Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghiệp Nam Hà Nội để tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư nhằm phát triển nơi đây thành tổ công nghiệp hỗ trợ phức hợp, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao cao, hàm lượng chất xám cao. Về đầu tư phát triển, do nhu cầu vốn ngân sách cấp cho các dự án trọng điểm lớn, khả năng cân đối ngân sách của TP không đáp ứng được, nên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đề nghị Chính phủ xem xét ưu tiên cân đối vốn cho các công trình trọng điểm quan trọng…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính phủ, các bộ ngành cùng có trách nhiệm xây dựng Thủ đô
Qua thảo luận, đa số ý kiến các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham dự buổi làm việc đồng ý cao với đề nghị của Hà Nội và góp ý làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến cơ chế đầu tư, thu hút vốn, ủng hộ đề xuất điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách lên ít nhất là 45% so với mức 42% hiện nay.
Với quy hoạch khu đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, Khu đô thị này không chỉ quan trọng đối với Hà Nội mà còn với quốc gia. Rút kinh nghiệm từ những khu đô thị mới đã triển khai thời gian qua, các đại biểu đề nghị Hà Nội nên quán triệt trên nguyên tắc chung cái gì phân cấp thì phân cấp để thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ hỗ trợ, giám sát cùng thành phố.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu thể hiện qua những kết quả toàn diện mà TP Hà Nội đã đạt được trong các năm qua, nhất là trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu, trong nước gặp muôn vàn khó khăn. Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Hà Nội tiếp tục phát huy những nội lực, lợi thế của mình để làm tốt hơn nữa, ra sức khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém để chuẩn bị tốt cho kế hoạch 5 năm tới, đưa Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế xã hội của cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cam kết chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ xây dựng Thủ đô xứng đáng với mong đợi của cả nước
Thủ tướng nhấn mạnh, về cơ chế đặc thù, cần đề cao trách nhiệm của các Bộ ngành, Chính phủ trong xây dựng Thủ đô và phân cấp ủy quyền những lĩnh vực pháp luật cho phép để Hà Nội năng động, sáng tạo, xây dựng phát triển và chịu trách nhiệm và triển khai thực hiện. Hà Nội không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là Thủ đô của cả nước, do đó cần tập trung nguồn lực quốc gia, tháo gỡ khó khăn, đầu tư cho phát triển Hà Nội, đây cũng là nhiệm vụ phát triển bộ mặt trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế xã hội của đất nước.