Khát vọng xuôi dòng của người Cơ Tu (1):

Ước nguyện trở về với ánh sáng kinh kỳ

ANTĐ - Khởi nguyên từ lòng mẹ đá Trường Sơn chia làm hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch, trải qua bao thác ghềnh nơi thượng nguồn rồi về hợp lưu ở ngã ba Bằng Lãng tạo thành dòng Hương Giang thơ mộng.

Một góc bản làng A Xăng, ngôi làng độc đáo của người Cơ Tu

Trước khi hòa mình vào lòng biển cả, sông Hương có những lúc như chàng trai Cơ Tu dũng mãnh với những con nước dựng đứng gầm rú bên vách đá nghìn năm, nhưng cũng có lúc mộng mơ, êm đềm như cô gái Cơ Tu sặc sỡ trong xiêm y truyền thống tuổi xuân thì…

Phố của những hàng cau

Nếu như nhánh Hữu Trạch ở thượng nguồn của dòng Hương Giang là vùng đất của đồng bào Tà Ôi thì nhánh Tả Trạch là nơi cư ngụ của người Cơ Tu với những nét văn hóa đặc trưng không thể lẫn nơi nào được. Vượt đèo La Hy trên tỉnh lộ 14B đến với thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, tỉnh TT- Huế lúc trời đã ngã về chiều. Phố núi vùng cao yên tĩnh lạ. Thị trấn Khe Tre nằm vắt qua vùng “trung lưu” của dòng Tả Trạch, là điểm nối của con suối Khe Tre sắp đổ về xuôi tạo thành sông Hương. Suốt dọc chuyến hành trình qua thị trấn với cái tên lạ lẫm này, Nguyên Phong- ông bạn người thành phố của tôi không ngớt ngợi khen khi đi từ sự ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác. Khe Tre là thị trấn của những cây cau.

Không nơi nào, cau được trồng nhiều như ở Nam Đông,
nó đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị của người Cơ Tu

Từ cải tạo vườn cây tạp, huyện Nam Đông đã trồng hơn 100 ha cau. Cau Nam Đông nức tiếng ở TT- Huế bởi giống cây xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào Cơ Tu nơi đây. Ở Khe Tre, cau được trồng san sát trong nhà dân, thỉnh thoảng hai bên tuyến đường chính của thị trấn, cau vẫn án ngự, mọc dày tạo thành màu xanh mướt êm dịu cho phố núi. Dì Phạm Thị Lài, một thương lái chuyên mua cau nhập cho các lò sấy trên địa bàn cho biết, không biết từ lúc nào, cây cau được người ta mang về trồng ở Khe Tre. Những năm trước, khi cau chưa có giá, thương lái chưa lùng mua để xuất đi Trung Quốc, trong mỗi nhà dân chỉ trồng vài ba cây để có trái ăn chống lạnh khi mùa đông đến hay vào dịp ma chạy, cưới hỏi. Đến khi cau trở thành mặt hàng ưa chuộng, người Cơ Tu bắt đầu trồng thứ cây này khắp vườn nhà”.

Đến mùa thu hoạch tầm tháng 8 đến tháng 12 dương lịch, thương lái đổ về thị trấn đông như trẩy hội. Ngay trên địa bàn thị trấn cũng đã có 5 lò phơi, sấy cau khô đỏ lửa suốt ngày đêm. Nhờ cây cau, nhiều hộ gia đình của đồng bào Cơ Tu đã nuôi con ăn học, thực hiện ước nguyện “đi hết một dòng sông”, trở về với ánh sáng kinh kỳ- thành phố Huế của cha ông.

Dọc đường qua thị trấn Khe Tre, cau được trồng dày, tạo màu xanh tươi mát cho phố núi

Ngay cạnh thị trấn Khe Tre, là xã Hương Lộc- vựa cau lớn của huyện Nam Đông. Cả xã có 432 hộ dân thì có 95% hộ trồng cau và đưa vào khai thác hơn 20 ha, hộ trồng ít cũng 20 cây, hộ nhiều trồng từ 200 đến 300 cây. Bình quân mỗi cây cau khi thu hoạch đạt 50.000 đồng/cây, như vậy hộ trồng cau ít nhất trong xã cũng thu được 1 triệu đồng/vụ, năng suất đạt gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Cây cau hiện đang là cây chủ lực trong phát triển kinh tế vườn ở xã Hương Lộc, tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm xuống còn 10%. Anh RaPát Min, một hộ dân trồng cau nhiều nhất ở Hương Lộc cho hay: “Gia đình tui thu hoạch cả vụ đạt bình quân từ 8 đến 10 tấn cau tươi, mỗi tấn bán được 2 đến 2,5 triệu “bỏ túi” từ 15 đến 20 triệu đồng. Nhờ vườn cau mà tui nuôi được 2 đứa con đang học đại học ở Huế”.

Kỳ tới: Bỏ tục "săn máu" để thực hiện khát vọng đi hết một dòng sông