Ứng xử với tổ ấm “cũ”

ANTĐ - Khi một cánh cửa đóng lại, luôn có một cánh cửa mới mở ra, điều quan trọng là phải thực sự bình tâm, ứng xử khéo léo mới có thể nhận ra đâu là cánh cửa thực sự dành cho mình.

Chẳng ai muốn đứt gánh giữa đường. Cũng chẳng ai muốn một mình nai lưng kiếm tiền và nuôi con trong ngôi nhà cô quạnh, đơn lẻ... Nhưng nếu chia tay là lối thoát giúp cả hai cảm thất tốt hơn thì không nên chần chừ. Những ai biết ứng xử với tổ ấm “cũ” trọn vẹn nghĩa tình nhất thì sự đổ vỡ ấy bớt nhức nhối hơn rất nhiều.

Đôi bạn cùng tiến

Ai cũng nhìn thấy, chia tay là con đường tốt nhất của Đỗ Mạnh và Vân Chung (Ngõ 36, Cầu Giấy, HN). Vốn đào hoa, là một nhà nghiên cứu phê bình văn học có chút danh tiếng, Mạnh lúc nào cũng có lời mời đi giảng dạy, trò chuyện với sinh viên khoa Văn ở các trường phổ thông, đại học trong Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Một tuần anh chỉ đảo qua nhà đôi ba lần gặp vợ con rồi lại miệt mài với những bài giảng, những chuyến đi mang vẻ đẹp thơ văn đến cho các em học sinh, sinh viên. Công việc choáng hết thời gian dành cho gia đình, con cái.

 

Còn Chung - một cô gái Hà Nội chính gốc, làm kế toán cho một công ty nhập khẩu vật liệu xây dựng đầu phố Nguyền Chí Thanh. Thời khóa biểu hàng ngày đều như vắt chanh: 7h sáng đi làm, 6h chiều trở về, đón con, dọn dẹp nhà cửa và cơm nước. Trừ những ngày cuối tháng phải tổng kết thu ngân, kiểm tra lương bổng cho anh em cơ quan, chẳng mấy khi thấy Chung lê la vỉa hè, quán xá cùng các bạn. Sự đối lập hoàn toàn giữa hai vợ chồng đến hàng xóm cũng phải ái ngại. Những ngày đầu yêu nhau, Chung cứ ngỡ đó là sự bù trừ hoàn hảo cho nhau.

Mạnh yêu Chung ngay từ cái nhìn đầu tiên vì sự dịu dàng hiền lành của cô. Anh tin tưởng đã tìm được một người vợ ở nhà vun vén, chờ đợi anh về sau mỗi chuyến công tác. Hồi con gái, Chung lại cứ đinh ninh đàn ông phải đi nhiều, làm nhiều, quán xuyến những việc to lớn trong xã hội mới đáng mặt nam nhi. Vậy mà giờ, hai vợ chồng như Ngưu lang - Chức nữ, những cuộc điện thoại xuyên đêm, tỉ tê tâm sự với nhau từ hồi mới yêu nhau dần chấm dứt.

Chung và đứa con trai 4 tuổi cứ luẩn quẩn bên nhau qua ngày, còn Mạnh như khách lạ, thoắt đến thoắt đi. Hai vợ chồng cứ dần xa nhau, đến nỗi không thể rút ngắn khoảng cách được nữa. Chung lặng lẽ viết giấy ly hôn, không cãi vã, không hờn giận, không bực bội hay trách móc. Mạnh bàng hoàng, nuối tiếc, song không van nài, dằn vặt vợ. Cả hai đều tự hiểu mình không thuộc về nhau, cũng chẳng có kẻ thứ ba nào xen ngang vào mái ấm gia đình. 6 năm sau ngày cưới, Mạnh và Chung đường ai nấy đi.

Sau ngày ra tòa, Mạnh thấy thương Chung, thương con trai nhiều hơn. Anh hạn chế đi công tác, chỉ nhận những buổi giảng dạy tại Hà Nội. Anh giúp Chung đón con 3 buổi/tuần và những buổi ấy, anh về nhà nấu cơm, ăn tối luôn cùng hai mẹ con. Có "chồng cũ" trợ giúp, Chung quyết tâm học thêm ngoại ngữ vào các buổi tối có Mạnh đến trông nom, chăm sóc con trai. Nhiều lần Mạnh muốn trở về bên Chung, vun vén tổ ấm mà anh lỡ đánh mất, nhưng Chung từ chối. Chung nhận ra mình cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn sau đổ vỡ.

Mạnh cũng thôi không còn nuối tiếc như trước. Anh sợ đi vào vết xe đổ như trước, sẽ lại làm Chung thất vọng và đau đớn. Anh cứ thế đi bên cạnh hai mẹ con, cố gắng để thằng bé không nhận ra sự thay đổi "khủng khiếp" trong gia đình. Mối quan hệ giữa hai người hoàn toàn là tình bạn. Là bạn, Chung dễ dàng, chuyện trò với Mạnh hơn trước, cô không cảm thấy tủi thân, ghét bỏ chồng như những ngày còn làm vợ, đau đáu chờ anh như hòn vọng phu. Khi là bạn, Mạnh cũng thoải mái nhận công tác hơn, có trách nhiệm hơn khi biết gọi điện thường xuyên về nhà hỏi thăm "vợ cũ" hỏi thăm con trai. Thằng bé cứ hồn nhiên nhận tình yêu của cả bố và mẹ, thậm chí được đưa đi chơi nhiều hơn, được bố mua quà nhiều hơn.

Người ta không hề thấy một sự rạn vỡ nào quá lớn trong ngôi nhà bé nhỏ của hai mẹ con Chung. Đến cả bây giờ, khi bên Chung xuất hiện một người đàn ông trầm tính, chín chắn và yêu thương con trai cô tha thiết, người ta vẫn thấy Mạnh thường xuyên lui tới, vui vẻ ăn tối và hỏi han tình hình lẫn nhau. Mạnh cũng biết điều tiết công việc hơn biết làm việc đúng mức và tìm được tình yêu mới bên một giảng viên đại học văn hóa. Hai vợ chồng Chung cứ đi bên nhau, xây dựng sự nghiệp và vun vén cho tổ ấm mới của mình. Hàng xóm ai cũng mừng cho họ, cho thằng bé - hẳn nó sẽ khôn lớn nên người nhờ tình yêu bao la của mẹ và hai người cha tốt bụng.

Sống trên đời cần có một tấm lòng

Mới chia tay, ban đầu, Nguyễn Hoàng và Xuân Ánh (tập thể Thành Công, Ba Đình) vẫn ghét nhau đến mức không thèm nhìn mặt nhau. Cô ghét anh ra mặt vì những bữa cơm gia đình trống trải ngày xưa, những công việc lớn nhỏ bên nội, bên ngoại thiếu mặt chồng, những ngày kỉ niệm bị xóa sổ theo năm tháng... Hoàng là người giỏi, một kiến trúc sư lắm tài nhiều tật. Anh mê bia rượu, bạn bè anh "nhiều như quân Nguyên" lúc nào cũng có thể tụ tập, gọi anh í ới.

Hoàng vốn vô tâm, ít quan tâm đến vợ con. Anh chẳng lăn tăn suy nghĩ khi cà kê với các bạn đến 1 -2 giờ sáng, không có thời gian hối lỗi khi một tháng chẳng quan tâm chuyện học hành của các con... Sau ly hôn, hai vợ chồng vẫn như mặt trăng và mặt trời. Có với nhau hai mặt con, Hoàng và Ánh không chọn giải pháp mỗi người nuôi một đứa mà thống nhất hai đứa sẽ ở với mẹ. Hoàng có trách nhiệm thăm hỏi, quan tâm các con đều đặn các tuần, các tháng. 3 tháng sau ly hôn, Hoàng "quên sạch” nhiệm vụ. 4 tháng sau, vì nhớ con không chịu nổi, anh chủ động tìm đến gặp các con.

 

Trước kia, vì ỉ lại có vợ quán xuyên tất cả, Hoàng nhiều lần cho ba mẹ con "leo cây”. Bây giờ, hai đứa con của Hoàng không bị lỡ hẹn buổi đi chơi nào vì bố chúng biết sắp xếp thời gian một cách khoa học. Biết các con thiếu thốn tình cảm, Hoàng bớt chè chén hẳn. Anh vẫn gặp gỡ bạn bè, nhưng là các ngày trong tuần. Còn cuối tuần anh dành trọn vẹn cho các con.

Hai đứa con không phải sợ hãi chứng kiến "thói hư tật xấu của bố như trước dần cảm thấy yêu bố hơn. Chúng ngày càng xích lại gần bố, thoải mái ôm vai bá cổ bố, thoải mái kể chuyện trường lớp cho bố nghe. Thấy các con vui đùa, Ánh dần nhìn “chồng cũ" với con mắt thiện cảm hơn. Từ nay không phải mòn mỏi đợi chồng về ăn tối, cáu kỉnh mỗi khi phải "giải quyết hậu quả" say bí tỉ của chồng, cô có thời gian đi tập Yoga, đưa các con đi du lịch khắp nơi. Với Ánh, cuộc sống như lúc này nhẹ nhõm hơn, đẹp hơn rất nhiều so với trước kia. Cả hai bỗng nhận ra, ly hôn không phải là ngõ cụt, mà giúp họ thêm "bạn” , bớt "thù”!

Trên thế giới này, có biết bao cặp đôi đã yêu nhau và lấy nhau. Chẳng ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra, nhiều khi là mâu thuẫn "yêu nhau lắm, cắn nhau đau". Hạnh phúc trong tay mình, chẳng ai muốn buông ra và nhường lại cho người khác. Đó là quy luật tình cảm phổ quát của loài người. Vì phổ quát nên rất ít người bình tĩnh, sáng suốt nhìn lại vấn đề, để hiểu ra rằng, chia tay trong nhiều hoàn cảnh, nhiều trường hợp, nó khiến mình tốt hơn. Ai cũng sợ đổ vỡ, ai cũng sợ phải bắt đầu lại từ con số không tròn trĩnh.

Nhất là phụ nữ, càng sợ hơn khi đã ở cái tuổi không còn trẻ để có thể tự tin làm lại từ đầu. Làm lại từ đầu sao được khi đã có quá nhiều tổn thương trong lòng? Khi một nách ôm 1-2 con? Khi sắc đẹp đã phai nhạt cùng tuổi trẻ? Nỗi sợ choán hết tâm trí khiến nhiều người cố tình không nhìn vào thực tế, không hiểu được rằng, càng cố vớt vát, càng cố chịu đựng hay chìm trong đau khổ thì càng khó làm lại cuộc đời. 30 tuổi, 40 tuổi... đừng ngại từ bỏ, hãy mở lòng ra để tha thứ cho nhau.

Đừng ngại cho mình, cho người mình đã từng yêu thương một cơ hội. Biết dừng lại đúng thì cuộc sống sẽ thay đổi. Và nếu không ích kỷ, không thù hằn những người đã từng sát cánh, bên cạnh mình trên một chặng đường đời thì chắc chắn, cuộc sống sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Khi một cánh cửa đóng lại, luôn có một cánh cửa mới mở ra, điều quan trọng là phải thực sự bình tâm, ứng xử khéo léo mới có thể nhận ra đâu là cánh cửa thực sự dành cho mình.