Ukraine tấn công Donbass, Nga công nhận độc lập của DPR và LPR

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tấn công Donbass là canh bạc trắng tay của chính quyền Kiev, khi vào tối ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai khu vực DPR và LPR ở miền đông Ukraine.

Hôm 21/2, đại diện lực lượng “Dân quân Nhân dân” của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) là ông Eduard Basurin cho biết, các lực lượng an ninh Ukraine đang bắt đầu thực hiện kế hoạch tấn công Donbass. Mở đầu là hướng Lugansk đang diễn ra các cuộc đụng độ và tiếp theo là hướng Mariupol (Donetsk), nằm gần bờ biển Azov.

Theo cơ quan báo chí của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), lực lượng vũ trang Ukraine đã thực hiện nỗ lực tấn công vào các vị trí của lực lượng dân quân Lugansk ở khu vực làng Pionerskoye, nhưng đã bị đánh bại và phải rút lui. Đợt tấn công của quân đội Ukraine với hỏa lực mạnh đã phá hủy 5 tòa chung cư, khiến một số dân thường thương vong.

DPR và LPR đề nghị Nga công nhận nền độc lập

Trong bối cảnh đó, những nhà lãnh đạo DPR và LPR đã đưa ra những quyết định trọng đại với vận mệnh của hai vùng đất ly khai này, đó là chính thức yêu cầu Nga công nhận nền độc lập của họ.

Ngày 21/2, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng là ông Denis Pushilin đã tuyến bố, chính quyền Kiev đã quyết định một giải pháp quân sự để giải quyết xung đột và đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập của DPR.

Nga công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk
Nga công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk

Ông Pushilin nhấn mạnh rằng, Donbass đánh giá cao nỗ lực của Moscow trong quá trình đàm phán về các thỏa thuận Minsk, nhưng các thỏa thuận này không ngăn cản được Kiev. Nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Washington, Ukraine đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã được thiết lập.

Ngoài việc đề nghị công nhận độc lập, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đề nghị Tổng thống Nga xem xét khả năng ký kết thỏa thuận hợp tác và khả năng tương tác với nhau trong lĩnh vực quốc phòng.

Ông Pushilin nói thêm rằng, cư dân Donbass thấy mình là người Nga về mặt tinh thần và mục tiêu chính của họ là hòa nhập với Nga. Mặc dù không nói rõ ý định, nhưng dường như nhà lãnh đạo của DPR đang nói tới khả năng đề nghị được sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

Cũng trong ngày 21/2, giới lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Lugank tự xưng cũng đã nêu nguyện vọng tương tự tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quyết định đã được Nga đưa ra

Trước đề nghị đó, sáng ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để bàn bạc về vấn đề này.

Sau khi lắng nghe các thành viên nêu ý kiến ủng hộ việc công nhận sự độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk, nhưng người đứng đầu nhà nước Nga vẫn chưa công bố quyết định cuối cùng và hứa rằng sẽ thực hiện trong ngày 21/2.

"Các đồng nghiệp thân mến, tôi đã nghe ý kiến của các vị. Quyết định sẽ được đưa ra trong ngày hôm nay" - ông Putin nói và cảm ơn các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia đã tham gia cuộc họp.

Phải đến tối ngày 21/2, quyết định liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và vận mệnh của hai nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass đã được ông Putin đưa ra trước toàn thể thế giới.

Vào tối ngày 21/2, người đứng đầu nhà nước Nga đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình với toàn thể nhân dân Liên bang Nga rằng, ông cần đưa ra quyết định công nhận chủ quyền của LNR và DNR.

Ngay sau bài phát biểu đầy cảm xúc đó, Tổng thống Vladimir Putin đã ký các sắc lệnh ngay tại Điện Kremlin. Đầu tiên là sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga về việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk, sau đó là sắc lệnh công nhận Cộng hòa Nhân dân Lugansk.

Tham dự Lễ ký có người đứng đầu DPR Denis Pushilin và người đứng đầu LPR Leonid Pasechnik.

Ngay sau đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố lên án quyết định của Nga công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk và cho rằng, bước đi này đã làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, phá hủy các nỗ lực nhằm giải quyết xung đột và vi phạm các thỏa thuận Minsk.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, quyết định của Nga công nhận DPR và LPR tượng trưng cho việc Moscow từ bỏ hoàn toàn các cam kết của mình theo Thỏa thuận Minsk và là hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ cũng cho biết, sắc lệnh trừng phạt sắp tới của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ký là “lệnh cấm hoàn toàn các công dân Mỹ đầu tư, buôn bán và cung cấp tài chính có lợi cho DPR và LPR”. Tuy nhiên, sắc lệnh sẽ cho phép tiếp tục hoạt động nhân đạo và các hoạt động khác ở những khu vực này.