Căng thẳng Nga-Ukraine không thể tách rời xung đột Donbass và an ninh của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng Nga-Ukraine chỉ có thể được giải quyết trong mối quan hệ với cuộc nội chiến ở Donbass và yêu cầu bảo đảm an ninh của Nga.

Sau cuộc điện đàm tối ngày 20/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thống nhất quan điểm tìm một giải pháp ngoại giao để tránh một cuộc xung đột lớn tại Ukraine.

Sau cuộc thảo luận kéo dài 105 phút với ông Macron, ông Putin cho biết, nguyên nhân của sự leo thang là do các hành động khiêu khích của lực lượng an ninh Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga lặp lại lời kêu gọi Hoa Kỳ và NATO “nghiêm túc xem xét các yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh”.

Vào ngày 17/12/2021, Moscow đã chuyển tới Mỹ, NATO và OSCE văn kiện chính thức về những yêu cầu bảo đảm an ninh của Nga. Trong đó, vấn đề mang tính then chốt là NATO không được tiếp tục mở rộng về phía đông, kết nạp Ukraine vào khối này và phải rút lực lượng triển khai ở Đông Âu sau Chiến tranh Lạnh.

Căng thẳng Nga-Ukraine hiện đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế
Căng thẳng Nga-Ukraine hiện đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục cảnh báo vẫn có thể xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhà Trắng cho rằng, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Pháp-Nga sẽ là những nỗ lực ngoại giao cuối cùng để ngăn chặn một cuộc xung đột lớn bùng lên ở đất nước này.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở miền đông, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/2 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và nối lại các cuộc đàm phán trong khuôn khổ “Nhóm liên lạc ba bên" gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).

Ông Zelensky nói thêm rằng, Kiev ủng hộ việc thúc đẩy tiến trình hòa bình và đã thông báo cho ông Macron về “cuộc pháo kích khiêu khích mới” trên chiến tuyến giữa lực lượng của chính phủ với lực lượng ly khai thân Nga ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk, thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine.

Điện Elysee cho biết, ông Macron, ông Biden, nhà lãnh đạo Đức Olaf Scholz và các nhà lãnh đạo đồng minh khác đã tổ chức các cuộc điện đàm vào cuối ngày 20/2 để tìm ra con đường giải quyết căng thẳng Ukraine. Tuy nhiên, nội dung các cuộc điện đàm không được công bố.

Sau lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine, OSCE cũng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường vào ngày 21/2 để tìm cách giảm leo thang căng thẳng.

Giới phân tích cho rằng, những nỗ lực ngoại giao để giải quyết căng thẳng Nga-Ukraine sẽ không thể tách rời việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và tháo gỡ những bất đồng trong yêu cầu bảo đảm an ninh của Nga.