Ukraina, cơ hội hòa bình đã hết?

ANTĐ - Cuộc chiến tại Ukraina vẫn đang diễn ra mỗi ngày một ác liệt. Giao tranh đã lan tới thành phố cảng Mariupol, nơi khoảng 30 dân thường đã bị thiệt mạng vào cuối tuần trước.
Ukraina, cơ hội hòa bình đã hết? ảnh 1

Quân đội Ukraine không đủ sức đương đầuvới quân ly khai miền Đông

 Trên chiến trường, phe ly khai hiện áp dụng chiến thuật từng gây nhiều tổn thất, hoang mang đối với quân Chính phủ trong chiến dịch bình ổn miền Đông mà Kiev phát động mùa hè vừa qua. Theo đó, dân phòng miền Đông lựa chọn một số chiến trường trọng điểm nằm dưới quyền kiểm soát của binh sĩ Ukraine; tiến hành bao vây, chia cắt toàn bộ; tập trung hỏa lực mạnh tạo thế áp đảo tuyệt đối. Bước tiếp theo là yêu cầu quân Chính phủ tháo lui, nếu không sẽ phải đối mặt với các đợt tấn công dồn dập.

Mọi sự chú ý hiện đang dồn về thị trấn Debaltsevo (diện tích 24km2) thuộc Donetsk - điểm án ngữ tuyến đường thông tới Lugansk. Hơn 7.500 quân Chính phủ đóng tại đây đang ở tình thế “mắc kẹt”, do bị bao vây từ 3 hướng, không còn đường tiếp tế. Và theo thông tin mới nhất từ Phó Chỉ huy Lực lượng dân quân Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Edward Basurin, quân đội Chính phủ đã tháo chạy khỏi thành phố này. 

Chính quyền địa phương tại các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Kiev gần vùng giới tuyến cho biết, số binh lính bỏ vũ khí trên chiến trường, tìm cách trốn về các làng mạc gần kề ngày một tăng. Tình cảnh trở nên trầm trọng hơn khi số lính chiến, vệ binh quốc gia ở vùng chiến sự tỏ ra rất lo sợ trước khả năng bị tấn công từ phe ly khai, trong khi họ phải chiến đấu trong cảnh thiếu thốn quân trang, thực phẩm, thuốc men. Igor Strelkov, một cựu thủ lĩnh dân phòng miền Đông, thậm chí còn nói rằng, nhiều đơn vị chiến đấu của quân đội Chính phủ đã ra hàng, nhập vào hàng ngũ quân ly khai. Nếu thông tin này là thực thì đó có thể là bước ngoặt cho các cuộc chiến ở miền Đông, theo hướng bất lợi cho chính quyền Kiev.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatseniuk ngày 26-1 cho biết chính quyền Kiev đã ra lệnh đặt toàn bộ lãnh thổ nước này trong tình trạng báo động cao do xung đột ngày càng leo thang tại 2 khu vực ly khai ở miền Đông là Lugansk và Donetsk. Đồng thời, sau khi ngừng tất cả các dịch vụ công, không trả lương hưu, không trả lương cho các nhân viên các trường học, bệnh viện tại hai tỉnh miền Đông, mới đây, với những chính sách mới như  cắt nguồn cung cấp thuốc chữa bệnh, đồng nghĩa với việc tổ chức cứu trợ khó có thể cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân chúng. Tình hình này càng thêm trầm trọng khi tuần trước, chính quyền trung tâm lại ban hành một giấy phép hạn chế đi lại, yêu cầu bất cứ ai muốn vượt qua ranh giới giữa vùng lãnh thổ quân đội Ukraine kiểm soát và khu vực Donetsk và Luhansk phải có một giấy tờ đặc biệt. “Luật” mới này của Kiev cũng đề ra 22 trường hợp không thể nhận được giấy phép đi lại giữa hai vùng. Oleg Izmailov, một nhà báo địa phương đã gọi hệ thống mới này là “vi phạm nhân quyền”.

Cơ hội hòa bình đã hết

Theo Reuters, Quốc hội Ukraine ngày 27-1, đã thông qua tuyên bố coi Nga là một “nước xâm lược”, đồng thời kêu gọi quốc tế viện trợ thêm cho quốc gia Đông Âu này và áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga. Ngoài ra, Quốc hội Ukraine cũng bỏ phiếu xác định các “nước cộng hòa” ly khai tự xưng ở miền Đông Ukraine là “các tổ chức khủng bố” và kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp thêm viện trợ quân sự phi sát thương cho Kiev. Với quyết định của quốc hội nói trên, các Nhà nước này có thể sẽ là đối tượng thực thi luật chống khủng bố. Điều này có nghĩa là chính quyền Kiev có thể hạn chế đi lại trong nội địa, phong tỏa tài khoản các cá nhân nhưng điều quan trọng nhất là chấm dứt sự tham gia của họ trong các cuộc đàm phán hòa bình. Không ai đàm phán với những kẻ khủng bố và quốc gia xâm lược. Ukraina đã tự đóng sập cánh cửa hòa bình với đất nước mình.

Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng cho rằng, nguy cơ chiến tranh đang trở nên gần hơn bao giờ hết: “Tôi sẽ không đề cập các điểm tương đồng rõ ràng và hiển nhiên giữa các sự kiện hiện nay ở châu Âu và những năm 1930. Nguy cơ chiến tranh thông thường đang hiện hữu gần hơn bao giờ hết”. Châu Âu và Mỹ hiện tiếp tục gây sức ép lên Nga, đòi hỏi nước này phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột tại Ukraine.

Thông tin từ Nhà Trắng cùng ngày cho biết, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ quan ngại về tình trạng xung đột leo thang tại Ukraine.

Mỹ và Đức cùng cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm khi hỗ trợ lực lượng đối lập ở khu vực miền Đông cũng như thất bại trong thực hiện thỏa thuận Minsk. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Âu bà Victoria Nuland cùng ngày kêu gọi các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tiếp tục ủng hộ Ukraine và duy trì cam kết an ninh cũng như đóng góp cho kế hoạch mới về triển khai nhanh lực lượng đến các vùng xung đột.

Đổi lại, Chính phủ Ukraina được gì? Ngay lập tức EU tuyên bố viện trợ cho Ukraina 1.8 tỷ Euro trong năm 2015. Và cũng rất nhanh chóng, Chính phủ Mỹ viện trợ khẩn cấp cho Chính phủ Ukraina 2 tỷ USD. Ba Lan tuyên bố sẵn sàng bán cho Ukraina tất cả các loại vũ khí không giới hạn. Những đồng tiền đẫm máu. 

Phía Nga và quân ly khai miền Đông, họ cũng ở thế không lùi được và vì vậy họ cũng phải nghiến răng chuẩn bị cho chiến tranh. Một mặt, Ngoại trưởng Nga, ông Lavrov đã khẳng định trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng “tình trạng leo thang (căng thẳng) này là hậu quả của việc binh lính Ukraine trắng trợn vi phạm các thỏa thuận Minsk với việc liên tục pháo kích vào nơi ở của người dân.”. Ông Lavrov cũng khẳng định Moskva sẵn sàng làm mọi thứ có thể để động viên các bên tham chiến ở miền Đông Ukraine tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại đây. Mặt khác, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tình trạng khẩn cấp Sergei Shlyakov cho biết, năm 2014, toàn bộ lãnh thổ của Liên bang Nga đã hoàn thành kiểm tra các cấu trúc bảo vệ dân phòng và năm 2015, các cơ quan hành pháp của Liên bang Nga có kế hoạch kiểm tra thống kê các hầm tránh bom và các công trình phòng thủ ngầm dưới lòng đất.  Như vậy cùng với tăng cường lực lượng vũ trang, Nga cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với mọi sự đe dọa vũ trang.

Nếu không có một tư duy mới, châu Âu không thoát khỏi sự áp đặt chiến lược của Mỹ, Châu Âu và có nguy cơ cả thế giới sẽ đứng trước nguy cơ chiến tranh.