“Uber kinh doanh hợp pháp ở Việt Nam”

ANTĐ - Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á - Micheal Brown trước những dư luận trái chiều xung quanh việc Uber kinh doanh trái phép ở Việt Nam cũng như không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một doanh nghiệp. 

“Uber kinh doanh hợp pháp ở Việt Nam” ảnh 1

- Uber xâm nhập vào thị trường Việt Nam như thế nào?

- Ông Micheal Brown: Uber là một công ty cung cấp công nghệ, cung cấp dịch vụ trên nền tảng của công nghệ hiện đại ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hiện, Uber đã có mặt ở 250 thành phố của 150 quốc gia.

Uber xâm nhập vào thị trường TP. HCM từ tháng 7-2014 và từ tháng 11-2014 đã chạy thử ở thị trường Hà Nội. Ngày 4-12, Uber chính thức vận hành thông qua việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải Việt Nam.

- Tuy nhiên có thông tin cho rằng, Uber chưa có Giấy phép đăng ký kinh doanh tại Việt Nam?

- Uber không phải là một công ty taxi mà là một công ty công nghệ, đăng ký kinh doanh của chúng tôi với Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM là trên lĩnh vực công nghệ. Chúng tôi được cấp mã số thuế, vì vậy chúng tôi tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến thuế mà pháp luật quy định.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, chúng tôi không sở hữu đội xe hay thuê lái xe mà chỉ đơn giản kết nối người cần di chuyển với lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đăng ký dịch vụ Uber. 

- Tại nhiều quốc gia, dịch vụ vận tải qua hỗ trợ Uber bị phản đối vì lái xe chở khách không đảm bảo, ông nhìn nhận như thế nào?

- Tất cả đối tác của Uber đều có đầy đủ Giấy phép, điều kiện về kinh doanh vận tải cũng như năng lực vận tải, lái xe có kinh nghiệm, có kiến thức.

Sử dụng dịch vụ vận tải qua hỗ trợ Uber rẻ vì nó là bước đột phá công nghệ, chuyển hóa mô hình kinh doanh một cách hợp lý, hay có thể nói cung và cầu gặp nhau một cách hoàn hảo, giúp tăng hiệu suất sử dụng xe, giảm chi phí. Doanh nghiệp vận tải đối tác của Uber cũng tăng doanh thu nhờ tần suất sử dụng xe tăng lên.

- Uber có ký kết với đối tác là xe cá nhân để tham gia chở khách không?

- Hiện tại Uber ký kết với tất cả các đối tác đáp ứng yêu cầu, như có Giấy phép kinh doanh vận tải, có đội ngũ lái xe đầy đủ giấy tờ mà pháp luật Việt Nam yêu cầu. Chúng tôi không ký kết với đối tác là xe cá nhân. Đến nay, chưa có doanh nghiệp taxi nào là đối tác của Uber ở Việt Nam.

- Khi khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải qua kết nối Uber mà gặp rủi ro sẽ xử lý như thế nào?

- Tất cả xe tham gia dịch vụ Uber đều phải có bảo hiểm theo đúng pháp luật, 100% hành khách tham gia di chuyển trên phương tiện qua Uber đều có bảo hiểm. Uber sẽ giúp công ty vận tải giám sát lái xe thông qua đánh giá của khách hàng. Ngoài ra, nếu khách hàng kết nối với xe Uber thì được cung cấp đầy đủ thông tin về chiếc xe, lái xe, thuộc công ty nào, số điện thoại... Vì vậy, nếu khách hàng gặp rủi ro có thể liên hệ với công ty vận tải đó hoặc liên hệ với Uber Việt Nam để được giải quyết. 

- Tại sao Uber từ chối tiết lộ thông tin về những công ty vận tải đã ký kết ở Việt Nam , phải chăng có điều gì khuất tất?

- Việc giữ bí mật thông tin đối tác là nguyên tắc kinh doanh, công ty nào cũng như vậy. Tuy nhiên, tôi hy vọng bạn sử dụng Uber để tìm kiếm và có kết luận của riêng mình. Trong trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu công bố thông tin, chúng tôi sẽ vui lòng hợp tác trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

- Nhiều người lo ngại khả năng trốn thuế của doanh nghiệp khi ứng dụng Uber?

- Điều này hoàn toàn không có cơ sở. Vì hiện tại, 100% chi phí mỗi chuyến đi của khách hàng được thanh toán bằng thẻ, 20% thuộc về Uber còn 80% sẽ được chuyển khoản về tài khoản của công ty vận tải. Như vậy, cơ quan chức năng Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được thu nhập của doanh nghiệp này. Còn nếu doanh nghiệp cố tình trốn thuế thì không thuộc trách nhiệm của Uber.

- Như ông nói, dịch vụ vận tải qua Uber chất lượng tốt, giá rẻ, tại sao một số quốc gia tiên tiến như Mỹ, Đức… lại cấm?

- Uber là công ty cung cấp công nghệ, không phải dịch vụ taxi, đây là hiểu nhầm lớn nhất, gây ra khó khăn cho Uber tại nhiều thị trường. Công nghệ mới nên không phải ở đâu cũng có góc nhìn đầy đủ, thấu đáo. Chính phủ cũng như người tiêu dùng cũng cần thời gian để đối thoại để hiểu đúng bản chất hơn. 

- Ông có ý kiến thế nào nếu Việt Nam sẽ cấm Uber như một số quốc gia?

- Uber là một công ty công nghệ kinh doanh hợp pháp. Chúng tôi rất mong được làm việc với Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi hy vọng có cơ hội gặp gỡ Bộ trưởng Bộ GTVT để giới thiệu về công nghệ của mình, cho thấy nó hoạt động như thế nào, có ích ra sao với thành phố. Quan trọng, chúng tôi muốn giải thích cặn kẽ với Chính phủ Việt Nam là cần tập trung vào vấn đề an toàn. Dịch vụ Uber sẽ giúp giảm tỷ lệ người dân uống rượu tham gia giao thông.

Chúng tôi cũng mong muốn được lắng nghe và có những gợi ý từ Chính phủ để có thể trở thành đối tác của Việt Nam. Với việc có mặt ở 150 quốc gia trên thế giới, mỗi tháng Uber tạo ra hơn 50.000 việc làm, giúp người có xe có thêm thu nhập.