Tỷ phú họ Hoài và “siêu thị” lưng chừng núi

ANTĐ - Giữa lòng chảo của vùng núi bạt ngàn đá  thuộc huyện Vị Xuyên - Hà Giang, có một người thuộc hàng đại gia nổi tiếng khắp tỉnh. Những câu chuyện về ông chủ họ Hoài với những gian truân thật thú vị…

“Siêu thị”… bản

"Siêu thị" bản

Ông Phạm Huy Trà - Chủ tịch UBND xã Tùng Bá lấy làm tự hào vì hơn chục năm nay ở địa phương mình quản lý đã có “siêu thị”. Ông bảo: “Kinh tế vẫn phát triển lẹt đẹt vì là vùng núi đá nên chẳng làm gì cho giàu có được. Nhưng được cái hơn các vùng khác vì có “siêu thị”.

Nói rồi ông đi lấy cái xe máy han gỉ đạp phành phạch hơn chục cái mới nổ rồi bảo chúng tôi ngồi lên đi ngắm “siêu thị” bản. Trời nắng giữa vùng núi đá càng làm cho cái nóng nhân đôi, những ngôi nhà sàn đổ mái bên sườn đồi trông nhỏ bé giữa bạt ngàn đá núi vùng cao.

Từ trên đỉnh nhìn xuống, “siêu thị” bản nổi lên như một “hiện tượng lạ” giữa vùng quê nghèo. Ông Trà cho hay, đó là “siêu thị” của anh Hoài Văn Thương, ở bản Hằng Tiến. Hơn chục năm nay, cái “siêu thị” lạ đời này đã biến thành trung tâm mua bán của bà con các dân tộc xã Tùng Bá và vùng lân cận. Ngày cuối tuần có hàng nghìn người từ khắp nơi kéo về. “Nhưng mua thì ít, chơi bời gặp gỡ nhau thì nhiều, thế mới vui chứ siêu thị mà không ai đến thì buồn chết…” - một người đàn ông vỗ vai tôi. Thì ra đó chính là ông chủ của “siêu thị” này. Dáng người nhỏ, nước da khá trắng và đôi mắt tinh anh, Thương được mệnh danh là tỷ phú ở vùng quê nghèo. Thương giàu lên trông thấy, nhất là mấy năm nay khi nhu cầu mua sắm của bà con tăng lên. Thương thanh minh: “Không phải giàu vì cái “siêu thị” này, giàu vì làm ăn cái khác. Dựa vào cái “siêu thị” này, tôi chết rã xương từ lâu rồi ông ạ…”.

Thương giải thích về “siêu thị” thế này, ở vùng quê mà đá có ở khắp nơi thì người dân lấy đâu ra tiền mua hàng. Hơn nữa, bà con ở Hà Giang chủ yếu là dân tộc Mông, quanh năm suốt tháng sống trên các đỉnh núi, lấy đâu ra tiền.

Chưa hết, Thương bảo: “Nếu làm giàu nhờ vào “sức ăn tiêu” của bà con dân tộc thì cũng không phải đạo, không đành tâm. Tôi giàu là nhờ buôn bán dưới phố. Buôn bán nhiều thứ lắm, từ thực phẩm đến vật liệu xây dựng… đủ thứ và đủ nghề”.

“Siêu thị” của Hoài Văn Thương được xây dựng cạnh con đường liên xã thuộc “rốn” của lòng chảo núi Vị Xuyên. “Tiếng là siêu thị nhưng thực chất chỉ được cái dài, rộng mà thôi. Bà con vui tính thì gọi đó là “siêu thị” vì hầu như chưa ai được vào siêu thị ngoài thành phố…” - ông Trà giải thích.

Theo anh Thương, căn nhà anh xây kiên cố trên diện tích 200m2, nền lát đá hoa, trần ốp gỗ pơmu và được phân bố thành các gian hàng khá rộng rãi cho bà con chọn lựa hàng hóa. Vốn đầu tư vào “siêu thị” này cũng vào mức “khủng” so với mặt bằng kinh tế ở Tùng Bá, khoảng 800 triệu đồng tiền hàng và tròn một tỷ tiền xây “siêu thị”.

Người đầu tiên của bản… xuất ngoại

Bình thuốc trừ sâu cũng được bày bán tại "siêu thị" này

Hoài Văn Thương, sinh năm 1966, là người dân tộc Tày - một trong số các dân tộc rất thưa dân ở huyện Vị Xuyên. Thương không may mắn khi gia đình thuộc hàng nghèo nhất xã Tùng Bá. Anh còn nhớ như in những ngày tháng tuổi thơ theo cha vào rừng đào củ mài ăn trừ bữa. Lớn lên một chút thì đào ngô kiếm sắn ăn thay cơm. Chuyện học hành cũng không được chu toàn, những ngày tháng ngồi trên lớp học của Thương chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Thế nhưng người thanh niên nghèo khó ấy luôn nuôi trong mình ý chí làm giàu. Trước đây, khi rừng còn nhiều gỗ và được khai thác tự do, anh theo nhóm trai bản vào các cánh rừng rậm của Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Quang… xẻ gỗ thuê cho các “chủ rừng”. Sau này, Thương đi đào vàng nhưng ốm yếu lại không chịu được cảnh đâm chém cạnh tranh của các chủ bưởng nên đành từ bỏ.

Năm 1988, khi ấy Thương tròn 22 tuổi đã gặp vận may hiếm có. Một người bạn rủ Thương sang Đức xuất khẩu lao động với thu nhập khá cao. Khi sang Đức, bỡ ngỡ trước môi trường quá mới lại bất đồng ngôn ngữ nên năm đầu tiên Thương bóp mồm bóp miệng nhịn đói để học việc. Sau này, khi đã thạo nghề thạo việc, anh được nhận vào làm trong một công ty lớn chuyên sản xuất máy móc và quản lý kinh tế doanh nghiệp.

Một người Việt không học hành lại được công ty Đức chọn lựa quản lý doanh nghiệp là chuyện rất hiếm. “Người Việt bên Đức rất nhạy bén về kinh tế nên dường như ai sang đó cũng giàu. Tiền lương tháng họ trả cho mình cũng khá cao…” - anh Thương cho hay.

Tuy nhận mức lương cao ở nước ngoài nhưng Thương luôn nuôi ước mơ về Việt Nam và làm giàu trên chính mảnh đất mình đã sinh ra. 10 năm lao động vất vả, thương người vợ ở quê nghèo khó nên được bao nhiêu anh gửi hết về nước cho vợ có vốn liếng làm ăn và dành dụm khi anh trở về.

Năm 1998, Thương về nước trước sự mừng rỡ của gia đình. Nhưng mãi mãi anh không còn gặp lại người vợ đã đầu gối tay ấp suốt bao năm trời chỉ vì một lý do: Số tiền Thương gửi về đã được cô vợ “nướng” sạch vào lô đề. Hơn 300 nghìn euro đã “ra đi”. Công sức lao động suốt 10 năm trời kết thúc bằng con số 0 tròn trĩnh. Thương như điên như dại lao vào rượu chè: “Nhiều lúc tôi nghĩ đến cái chết nhưng không đành. Tôi nghĩ mình phải sống để lấy lại số tiền ấy” - Thương bộc bạch.

Thế rồi anh lại bắt đầu con đường làm thuê cuốc mướn bòn nhặt từng đồng. Rồi anh đi buôn, buôn đủ thứ từ chiếu cói đến thuốc đánh răng. Cái gì kiếm ra đồng tiền chính đáng là Thương làm. Năm 2000, số tiền tích cóp được cộng với vay mượn bạn bè họ hàng, anh đã mở “siêu thị” để phục vụ bà con dân bản.


Thanh toán bằng… thóc

"Siêu thị" thu hút bà con dân tộc trong vùng

Từ ngày mở “siêu thị” đến nay đã hơn 10 năm. Cũng ngần ấy năm Thương dọc ngang khắp nơi để buôn bán các mặt hàng thiết yếu cho bà con dân bản với giá rẻ. Với đặc thù miền núi nên “siêu thị” của Thương cũng khác biệt với các nơi khác. Anh nói vui là cả thế giới không có đâu giống như “siêu thị” của anh.

Ở “siêu thị” này, tiền thanh toán mua hàng không phải bằng tiền mà bằng thóc, ngô, khoai, sắn. Nếu khách mua một túi xà phòng trị giá 7 nghìn đồng thì sẽ trả bằng thóc hoặc bất cứ thứ gì mình có. Người dân ở Hằng Tiến và các vùng lân cận đến đây mua hàng rất thoải mái, họ có thể mua cho mình đủ thứ mà không sợ bị… mua đắt.

Mặt hàng mà “siêu thị” của Thương cung cấp cũng đủ chủng loại. Từ bánh kẹo, nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng đến xoong nồi, ấm chảo, bình thuốc sâu… thậm chí, cả bao cao su cho những đôi vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Theo tập tục người dân tộc bản địa, thứ bảy và chủ nhật họ kéo nhau xuống “siêu thị” đông nườm nượp. Cả nghìn người với đủ già trẻ xuống mua hàng nhưng hầu hết là… mua chịu. Anh Thương cười bảo, có người nợ cả 10 năm chưa trả một đồng nào.