Tuyển sinh đại học của Top 100 trường khu vực Hà Nội đổi mới từ năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ tháng 5/2023 không khí tuyển sinh vào đại học bắt đầu “nóng bỏng” ở khắp nơi và trên các cổng đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Dự kiến trong năm nay, Top 100 trường đại học ở khu vực Hà Nội sẽ tuyển sinh gần 200.000 sinh viên.

Top 100 trường đại học ở Hà Nội và vùng phụ cận năm 2023

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước nên tập trung nhiều trường đại học danh tiếng nhất Việt Nam. Trong quy hoạch vùng Thủ đô đã được phê duyệt, cơ sở đào tạo của một số trường đại học lớn cũng được phân bố cả ở Hà Nội và các tỉnh phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.

AN NINH THỦ ĐÔ xin giới thiệu Top 100 trường đại học và học viện chính quy của khu vực Hà Nội (trong đó có 78 trường công lập) theo các nhóm khối ngành nghề chính. Danh sách này chưa tính phân hiệu hoặc cơ sở liên kết đào tạo của các trường đại học trong và ngoài nước cũng đang hoạt động trong khu vực vùng Hà Nội.

Bấm vào đây để xem Bản đồ dữ liệu trực tuyến “100 trường đại học khu vực Hà Nội” với các thông tin chi tiết cụ thể của từng trường (do Công ty Đào tạo trực tuyến 3G Cộng phối hợp liên tục cập nhật).

Theo các đề án tuyển sinh năm 2023 đã được công bố, các trường đại học và học viện trong Top 100 này dự kiến cung cấp 196.266 chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ đại học chính quy. Tính đến thời điểm này vẫn còn một số trường chưa phê duyệt chỉ tiêu chính thức dù đã công bố số liệu dự kiến.

Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của 100 trường đại học, học viện (theo các nhóm khối ngành và chuyên ngành chính) ở khu vực Hà Nội và phụ cận.
Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của 100 trường đại học, học viện (theo các nhóm khối ngành và chuyên ngành chính) ở khu vực Hà Nội và phụ cận.

Trong danh sách Top 100, các trường đại học thuộc khối ngành Kỹ thuật & Công nghệ nhiều nhất với 21 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành chủ chốt góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội (Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng...). Bên cạnh đó còn gồm 10 trường đại học thuộc khối ngành Kinh tế - Tài Chính góp phần quản lý và lưu chuyển dòng vốn cho toàn xã hội. Các trường thuộc hai khối ngành này chủ yếu xét tuyển theo các tổ hợp môn khối A và với khoảng 97.000 chỉ tiêu tuyển sinh, chiếm 49,4% tổng số trong Top 100.

Các khối ngành quan trọng khác cũng thu cũng có nhu cầu nhân sự rất lớn là Xã hội & Ngôn ngữ (đặc biệt là ngoại ngữ) và các chuyên ngành như Y tế, Sư phạm, Thể thao, Văn hóa - Nghệ thuật. Nhóm này cũng chiếm 35% trong Top 100 và tuyển sinh theo nhiều tổ hợp môn khác nhau (trừ chuyên ngành Y tế chủ yếu là khối B).

Trong định hướng phát triển tự chủ của ngành Giáo dục đào tạo, mô hình trường đại học đa ngành theo mô hình công lập và ngoài công lập đang phát triển mạnh mẽ chiếm tới 24% trong Top 100. Một số trường có quy mô tuyển sinh rất lớn (đặc biệt là các trường đại học tư thục) với nhiều ngành nghề theo sát nhu cầu thực tế, mang lại cơ hội học tập nâng cao cho các đối tượng đã tốt nghiệp THPT hoặc từng tốt nghiệp cao đẳng, đại học (để có thêm văn bằng 2). Trong danh sách Top 100 còn có các trường đại học đặc thù của khối Lực lượng vũ trang (trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) chiếm 10% dù quy mô tuyển sinh cho thí sinh dân sự có sự giới hạn nên sự cạnh tranh đầu vào là rất cao (chỉ có khoảng 3.000 chỉ tiêu tuyển sinh, chiếm 1,5% tổng số trong Top 100).

Top 10 cơ sở đào tạo có chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2023 với quy mô lớn nhất ở khu vực Hà Nội và phụ cận.

Top 10 cơ sở đào tạo có chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2023 với quy mô lớn nhất ở khu vực Hà Nội và phụ cận.

Đổi mới và cải cách trong phương thức tuyển sinh vào đại học ở Việt Nam

Hồi tưởng lại lịch sử từ những kỳ xét tuyển vào đại học chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT những năm chiến tranh (thập niên 1960 và 1970) để sau đó Nhà nước tự phân bổ sinh viên vào các ngành nghề mà mỗi người không hề được biết trước. Sau khi hòa bình lập lại, kỳ thi vào đại học được tổ chức với quy trình riêng trên phạm vi toàn quốc với một đợt thi duy nhất khiến cho việc trở thành sinh viên đại học là rất khó. Vào cuối những năm 1980 và thập niên 1990 cơ hội trúng tuyển vào đại học đã mở hơn cả về số lượng chỉ tiêu và số đợt thi cùng nhiều lựa chọn khối ngành khác nhau.

Nhưng kỳ thi vào đại học vẫn là kỳ thi áp lực nhất đối với các thí sinh cũng như phụ huynh và gia đình mang theo bao kỳ vọng. Cảnh “cơm đùm cơm nắm” về thành phố ôn tập ở các lò luyện thi cấp tốc mọc lên như nấm vẫn là nỗi ám ảnh của thế hệ 7x và 8x. Khi các trường đại học “bỗng dưng” được tự ra đề thi tuyển sinh đại học cho học sinh vừa tốt nghiệp THPT đã kéo theo không ít hệ lụy tiêu cực kéo dài cho đến năm 2001. Tuy vậy trong giai đoạn này có ưu điểm là học phí đại học hệ chính quy rất thấp, chưa kể nếu được học bổng thì vừa không mất tiền mà lại có tiền thêm (dù không nhiều) nếu có kết quả thi đại học hoặc học tập tốt.

Từ năm 2002 đến 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học riêng rẽ nhưng với đề bài chung cho toàn quốc. Sau nhiều năm chuẩn bị cho tới năm 2015, Việt Nam đã chính thực hợp chung hai kỳ thi này thành kỳ thi duy nhất mang tên Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là căn cứ để xét tuyển vào các bậc đào tạo kế tiếp.

Nhưng vào năm 2018, hàng loạt vụ gian lận kết quả trong kỳ thi THPT quốc gia ở nhiều địa phương đã “dội gáo nước lạnh” vào chủ trương đúng đắn này. Bộ Công an phải mở các chuyên án lớn để điều tra nhằm mang lại sự công bằng cho xã hội và các thí sinh. Sau đó, một lần nữa luật Giáo dục cần phải sửa đổi.

Những quy định rất mới cần biết về tuyển sinh vào đại học năm 2023

Kể từ ngày 01/07/2020, Luật Giáo dục năm 2019 đã được Quốc hội phê chuẩn chính thức bắt đầu có hiệu lực đã trao cho các trường đại học được chủ động hơn trong phương thức tuyển sinh đầu vào. Nhiều trường đại học đã áp dụng phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm (không dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia) trong quy chế tuyển sinh của mình được ban hành theo từng năm học. Chủ trương này đã giảm được sức ép tâm lý cho nhiều đối tượng (đặc biệt là các học sinh THPT) và tiết kiệm được nhiều chi phí cho xã hội nói chung. Kết quả học tập của từng môn học, trong từng học kỳ ở bậc THPT trở thành một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá năng lực thực chất của từng học sinh. Các trường xét tuyển theo học bạ thường dựa vào điểm trung bình của cả học kỳ và điểm trung bình của từng môn trong tổ hợp xét tuyển theo từng ngành cụ thể.

Ngoài việc xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn có 6 phương thực khác để xét tuyển vào đại học năm 2023 đang được áp dụng của 100 trường đại học, học viện ở khu vực Hà Nội và phụ cận.

Ngoài việc xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn có 6 phương thực khác để xét tuyển vào đại học năm 2023 đang được áp dụng của 100 trường đại học, học viện ở khu vực Hà Nội và phụ cận.

Trong Top 100 trường đại học ở khu vực Hà Nội và phụ cận có các quy định về xét tuyển theo học bạ rất đa dạng theo 1 trong các phương án: cả 3 năm THPT (6 học kỳ) hoặc trừ học kỳ II lớp 12 (5 học kỳ), 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (3 học kỳ), chỉ năm lớp 12 (2 học kỳ).

Trong Top 100 trường đại học ở khu vực Hà Nội và phụ cận có các quy định về xét tuyển theo học bạ rất đa dạng theo 1 trong các phương án: cả 3 năm THPT (6 học kỳ) hoặc trừ học kỳ II lớp 12 (5 học kỳ), 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (3 học kỳ), chỉ năm lớp 12 (2 học kỳ).

Bên cạnh đó, các chứng chỉ đào tạo quốc tế về ngoại ngữ và năng lực tư duy (trước đó thường chỉ dùng cho đăng ký đi du học nước ngoài) cũng đã được công nhận như là ưu tiên trong tiêu chí xét tuyển vào đại học trong nước. Một số trường đại học lớn của Việt Nam cũng tự tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ để làm căn cứ xét tuyển sớm như kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoặc của trường đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Các trường này và một số trường của khối lực lượng vũ trang không áp dụng xét tuyển sớm theo học bạ. Nhiều trường đại học khác cũng công nhận các chứng chỉ này và sử dụng để xét tuyển theo từng khối ngành đào tạo có liên quan.

Tuy nhiên mỗi trường đang áp dụng các tiêu chí xét tuyển hoặc xét tuyển sớm theo kết quả học tập THPT (ghi trong học bạ) và các chứng chỉ đào tạo (quốc tế, trong nước) theo các tiêu chí đánh giá khác nhau, tùy theo từng đặc thù đào tạo. Do vậy các thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ các quy định tuyển sinh của từng trường mà mình có nguyện vọng đăng xét tuyển (có thể xem chi tiết trong Bản đồ dữ liệu trực tuyến “100 trường đại học khu vực Hà Nội”).

Nếu không tham gia hoặc chưa đủ điều kiện để xét tuyển sớm, thí sinh vẫn còn cơ hội để sử dụng kết quả những bài thi có liên quan (theo tổ hợp môn xét tuyển) trong kỳ thi THPT quốc gia để đăng ký vào các trường đại học phù hợp với khả năng của mình. Năm 2023 vẫn có 95% số trường đại học trong Top 100 của khu vực Hà Nội sử dụng kết quả này để xét tuyển. Các hình thức xét tuyển kết hợp này mang tính thực chất, công bằng hơn và cũng giảm thiểu được những nguy cơ gian lận hoặc tiêu cực trong công tác tuyển sinh vào đại học vốn thường rất nóng bỏng hàng năm.

Chưa bao giờ cơ hội bước chân vào cổng trường đại học lại rộng mở như hiện nay nhưng các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác cho tương lai như tiếp tục học ở các trường cao đẳng hoặc trung cấp nghề, đi lao động hoặc kinh doanh…