Tuyển sinh 2016: Thí sinh "ảo" sẽ tái phát

ANTĐ - Sau khi phân tích, dự báo những vướng mắc có thể xảy ra trong kỳ tuyển sinh ĐH 2016, Bộ GD-ĐT cho rằng “thí sinh ảo” trong các đợt xét tuyển có thể gây ra những khó khăn nhất định.

Chiều 12-5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT đang bàn các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 diễn ra an toàn, thuận lợi nhất. 

Sau khi phân tích, dự báo những vướng mắc có thể xảy ra trong kỳ tuyển sinh ĐH 2016, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, “thí sinh ảo” trong các đợt xét tuyển có thể gây ra những khó khăn nhất định. Do vậy, Bộ GD-ĐT đang tìm các giải pháp kỹ thuật phù hợp để hỗ trợ xử lý vấn đề này.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, giải pháp được hoan nghênh trong thời gian qua là tuyển sinh chung theo nhóm trường. Hiện tại có 2 nhóm trường đã hình thành là nhóm GX ở Hà Nội và nhóm của ĐH Đà Nẵng. Về mặt kỹ thuật, nếu quy mô nhóm càng lớn thì việc xét tuyển càng thuận lợi đối với thí sinh cũng như đối với các trường tham gia nhóm.

Năm 2015, tình trạng thí sinh "ảo" khiến nhiều thí sinh mất cơ hội trúng tuyển nguyện vọng 1

Do đó, nếu nhiều trường ĐH tự nguyện tham gia vào một nhóm lớn để thí sinh trong cả nước có thể đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên thì có thể sử dụng một phần mềm phân tích cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển chung để giúp hạn chế tối đa thí sinh ảo, qua đó tư vấn giúp các trường quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển phù hợp nhất. 

Thực chất đây chỉ là phần mềm lọc ảo để hỗ trợ cho các trường trong xét tuyển, kết quả (nếu có) cũng chỉ để tư vấn cho các trường, việc sử dụng kết quả đó như thế nào là do các trường tự quyết định.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định, việc xét tuyển chung không ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh. Thí sinh vẫn đăng ký xét tuyển bình thường vào trường như quy chế tuyển sinh đã qui định, tất cả các điều kiện xét tuyển của trường vẫn được tôn trọng. 

Kết quả từ phần mềm xét tuyển chung (nếu có) cũng chỉ để các trường tham khảo nhằm tránh các tác động bất lợi của thí sinh “ảo”. Quyết định danh sách trúng tuyển vẫn là quyền của các trường. Đây là hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh.

“Sử dụng phần mềm xét tuyển chung để lọc “ảo” là giải pháp có thể giúp hạn chế tối đa bất cập đối với tình trạng thí sinh “ảo” và hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật, tuy nhiên việc tham gia nhóm xét tuyển chung hoàn toàn dựa vào tinh thần tự nguyện của các trường, Bộ không bắt buộc” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.