Tuyến đường sắt đô thị trên cao: Không thể chậm trễ hơn

(ANTĐ) - Phía nhà tài trợ, nhà tư vấn cũng như UBND TP Hà Nội đều đang cố gắng để tuyến đường sắt đô thị số 3 được đưa vào vận hành trong năm 2016, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.

Song, nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng, liệu tiến độ có được đảm bảo?

 Tuyến đường sắt đô thị số 3 được nhiều người dân mong đợi
 Tuyến đường sắt đô thị số 3 được nhiều người dân mong đợi

Cuối năm 2016 Hà Nội có đường sắt trên cao
Tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đã trở nên “nổi tiếng” không chỉ bởi đây là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của cả nước, công nghệ hiện đại, mà còn vì, tuyến đường sắt đã 2 lần khởi công nhưng vẫn chưa thể bắt tay vào xây dựng. Dự án nhận được sự ủng hộ tài chính của các nhà tài trợ đến từ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư phát triển châu Âu. Theo tiến độ dự án ban đầu, tuyến đường sắt đô thị số 3 sẽ đi vào vận hành trong năm 2015. Tuy nhiên, theo dự án điều chỉnh mới nhất, tiến độ sẽ bị lùi lại đến năm 2016.

Tại cuộc họp báo sáng 7-7, bà Marie-Cecile Tardieu-Smith, Tham tán Kinh tế, Trưởng ban đại diện Cơ quan kinh tế Đại sứ quán Pháp cho biết, trong năm 2011, sẽ thực hiện đấu thầu tất cả các gói thầu có trong dự án, để tháng 11-2011 sẽ khởi công xây dựng các công trình kiến trúc khu đề pô, cuối tháng 2-2012 triển khai phần đường trên cao dài gần 8,5km và tháng 11-2012 thi công phần đường ngầm. Phần đường ngầm có chiều dài 4km, bắt đầu từ khu vực công viên Thủ Lệ, kéo dài đến Ga Hà Nội, đường kính 6,3m, độ sâu từ 15-30m. “Tất cả sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2016”, bà Marie-Cecile Tardieu-Smith khẳng định. Cũng tại buổi họp báo, ông Alain Bechereau, Giám đốc dự án  Systra Việt Nam (tư vấn dự án Metro Hà Nội) cho biết, dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 bao gồm 1 khu đề pô, 8 ga trên cao, 1 dốc chuyển tiếp và 4 ga ngầm.

Theo đánh giá, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội là một dự án giao thông đường sắt đô thị quan trọng nhất của Hà Nội, khi hoàn thành sẽ góp phần xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và bảo vệ môi trường cho Thủ đô. Để đảm bảo tiến độ đưa ra, UBND TP cũng thống nhất thông qua, hoàn thành giải phóng mặt bằng vào năm 2012.

Đường ngầm không ảnh hưởng đến mặt đất
Tuyến đường sắt đô thị số 3 có 4km đường ngầm, không khỏi khiến nhiều người lo ngại, quá trình thi công sẽ gây ra những sự cố trên mặt đất. Giải đáp thắc mắc này, ông Alain Bechereau cam kết, nhà thầu sẽ phải dùng máy đào đặc biệt, vừa đào vừa xây đảm bảo trên mặt đất không bị ảnh hưởng, hư hỏng công trình. Thêm vào đó, để khắc phục tình trạng mưa có thể gây úng, ngập đoạn đường ngầm, Systra cam kết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, thiết kế các giếng gom nước trong đường ngầm, rồi dẫn ra sông, hồ. Tuy nhiên, ông Alain Bechereau cho rằng, với những trận mưa gây ngập lụt toàn Hà Nội như năm 2008 thì đường ngầm cũng không tránh khỏi.

Có thể thấy, dự án metro Hà Nội được đông đảo người dân quan tâm. Song, dự án đã có sự chậm trễ, phải lùi thời hạn 1 lần, điều này không thể tránh được tâm lý e ngại, chậm tiến độ lần tiếp theo. Bà Marie-Cecile Tardieu-Smith cho rằng, dự án sẽ tuân thủ chặt chẽ tiến độ này, sẽ không có bất kỳ sự chậm trễ nào nữa. Do bị chậm, nên chi phí của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội theo tính toán đã đội lên 1,5 lần.