Tuột mất… cơ hội

(ANTĐ) - Lâu nay, nhiều người  tưởng nhầm rằng, đi du lịch thì phải chọn mùa hè để tận hưởng gió mát lành, sóng biển trong xanh hay lên rừng, lên núi đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ hít thở không khí trong lành, không gian thoáng đãng. Du lịch ấy chỉ đa phần dành cho người Á đông. Khách du lịch Âu hay Mỹ, Úc thì ngược lại, rất thích chọn mùa đông ở Việt Nam quãng từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán.

Tuột mất… cơ hội

(ANTĐ) - Lâu nay, nhiều người  tưởng nhầm rằng, đi du lịch thì phải chọn mùa hè để tận hưởng gió mát lành, sóng biển trong xanh hay lên rừng, lên núi đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ hít thở không khí trong lành, không gian thoáng đãng. Du lịch ấy chỉ đa phần dành cho người Á đông. Khách du lịch Âu hay Mỹ, Úc thì ngược lại, rất thích chọn mùa đông ở Việt Nam quãng từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán.

Một quan chức ngành du lịch TP Hồ Chí Minh, một trong hai “cực” hút khách nước ngoài mạnh nhất cả nước, cho biết, cho đến thời điểm này, thành phố đã đón hơn 2,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng số lượng của cả năm 2009. Dự kiến, đến tháng 12 tới có khả năng đón vị du khách thứ 3 triệu. Hà Nội chưa có thống kê chính thức nhưng con số cũng rất ấn tượng, nhất là nhân dịp Đại lễ nghìn năm, Hội nghị cấp cao ASEAN. Quy luật mùa du lịch hấp dẫn khách nước ngoài vào cuối năm cũng dễ hiểu. Giống như loài chim di trú, mùa giá lạnh thường bay về phương Nam tránh rét, người phương Bắc, phương Tây tìm về phương Nam, trong đó Việt Nam được coi là nơi dừng chân, bến đậu ấm áp cả thiên nhiên lẫn con người.

Đây chẳng phải là cơ hội “trời cho” đó sao, nếu không tận dụng mà để tuột mất thì đừng hy vọng sẽ đợi mùa sau, bởi vì thực tế cho thấy, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam rồi “một đi không trở lại” trong mấy năm qua chiếm tới 60-70%. Ngay cả tại thời điểm du lịch số đông với nhiều sự kiện liên tiếp diễn ra; ngay cả khi tiền đồng mất giá so với USD thì cơ hội cho ngành du lịch nước ta hút khách nước ngoài, “bội thu” đô la cũng dường như đã tuột khỏi tầm tay. Nguyên nhân muôn thuở vẫn là quá ít hàng hóa, dịch vụ để hấp dẫn khách. Câu hỏi được đặt lên bàn từ rất lâu đến nay vẫn không ai buồn trả lời: Khách quốc tế đến Việt Nam có gì để chơi, có gì để mua? Câu trả lời hóa ra lại quá khó cho cả hai trung tâm du lịch đầu mối của cả nước Hà Nội, TP.HCM, cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ cho tới các tỉnh miền núi phía Bắc, kể cả những điểm du lịch được coi là địa chỉ “đỏ” trên bản đồ du lịch Việt Nam như Hạ Long, Sapa…

Sự lặp lại đến mức nhàm chán của các tour du lịch vùng sông nước Nam Bộ, vùng cao nguyên cho đến các làng nghề du lịch, khiến cho ngay cả khách trong nước cũng “ngán ngẩm” chứ chưa nói tới du khách nước ngoài. Không ít hội nghị, hội thảo, bàn tròn xung quanh câu hỏi trên mà vẫn không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn. Chẳng nói đâu xa, ngay bên láng giềng Thái Lan hay Singapore, Malaysia, chỉ riêng ở thủ đô của họ đã có không biết bao nhiêu điểm vui chơi hấp dẫn và rất nhiều cơ hội để “moi” tiền du khách. Thực ra, việc USD tăng giá trong thời gian gần đây không mấy ảnh hưởng đến quyết định của du khách nước ngoài, bởi họ thường đặt tour trước ít nhất sáu tháng hoặc một năm.

Một giám đốc công ty du lịch có tiếng ở Hà Nội cho rằng, chuyện USD tăng giá không hứa hẹn nhiều việc kích thích du khách nước ngoài tăng chi tiêu khi đến Việt Nam. Ngược lại, USD lên sẽ kéo các dịch vụ “ăn theo” tăng giá. Tình trạng nâng giá hoặc bắt các điểm mua sắm, nhà hàng chi hoa hồng cho hướng dẫn viên du lịch là chuyện phổ biến. Hậu quả là, nhiều khi “lôi” khách đi đến ba, bốn điểm mà khách chẳng chọn được thứ gì để mua, bởi sản phẩm nghèo nàn, không có nhiều thứ đặc trưng, độc đáo để họ lựa chọn, dịch vụ thì quá yếu kém.

Thật đáng buồn khi biết là, mức chi tiêu trung bình của một khách nước ngoài tại Việt Nam chưa tới 100USD/ngày. Rất nhiều khách Âu, Mỹ khi đặt tour đến nước ta đã yêu cầu quá giang ở Dubai hay Hồng Kông để mua sắm. Cơ hội vậy là cứ dần tuột mất.

Đan Thanh