Tương lai vững chắc

ANTĐ - Tương lai của mô hình liên kết kinh tế Á - Âu trên lãnh thổ Liên Xô trước đây đang hiện rõ thêm trong Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng kinh tế Á - Âu (EvrAzEC), vừa khai mạc tại Điện Kremli dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga D. Medvedev.

Tổng thống Nga D. Medvedev và Tổng thống Belarus A. Lukashenko 

tại một Hội nghị Thượng đỉnh EvrAzEC

Tham dự hội nghị có Tổng thống các nước thành viên EvrAzEC gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng như lãnh đạo các nước quan sát viên gồm Armenia, Moldova và Ukraine. Ra đời mới chỉ được 10 năm nhưng EvrAzEC đã chứng tỏ đây là cơ chế hội nhập kinh tế đa phương hiệu quả. 

Điều có thể thấy rõ là EvrAzEC đang từng bước tạo ra không gian kinh tế thống nhất, phục vụ lợi ích của người dân các nước thành viên. Những con số thống kê cho thấy trao đổi hàng hóa, vốn đầu tư và lao động trong khuôn khổ không gian kinh tế này đang tăng lên rõ rệt. Việc Quỹ chống khủng hoảng của Cộng đồng kinh tế Á - Âu với vốn điều lệ 10 tỉ USD, trong đó Nga đóng góp 7,5 tỉ USD, kịp thời cung cấp 3 tỷ USD tín dụng cho Belarus trong vòng 3 năm nhằm giúp Minsk giải quyết những khó khăn kinh tế - tài chính, là bằng chứng cho thấy tính thực tiễn của mối quan hệ “láng giềng gần” này. 

Không chỉ có vậy, các Bộ trưởng Tài chính EvrAzEC còn quyết định cung cấp tín dụng cho Belarus trong vòng 10 năm với lãi suất đặc biệt ưu đãi 4,1%/năm. Trong bối cảnh nhiều nước lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính khi nhờ cậy đến các tổ chức tín dụng như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) buộc phải chấp nhận những điều kiện áp đặt ngặt nghèo, sự tương trợ trong EvrAzEC là điều đặc biệt có ý nghĩa với các nước thành viên gặp khó khăn. 

Chính vì thế mà dù còn rất non trẻ nhưng EvrAzEC đã khẳng định tương lai vững chắc của mình. Bên trong khuôn khổ EvrAzEC, tháng 12 năm ngoái, không gian kinh tế thống nhất giữa Nga, Belarus và Kazakhstan đã ra đời, trong đó áp dụng chính sách đồng thuận về thuế, tín dụng, tài chính - tiền tệ, thương mại và hải quan nhằm đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và nguồn nhân lực. Ủy ban Kinh tế Á - Âu, cơ quan siêu quốc gia đầu tiên của Hội đồng kinh tế Âu - Á, với 800 thành viên cũng đã được thành lập. Triển vọng trong tương lai, các nước thành viên EvrAzEC còn lại cũng sẽ tham gia cơ quan siêu quốc gia này. 

Trong khuôn khổ hội nghị lần này tại Mátxcơva, lãnh đạo các nước thành viên EvrAzEC dự kiến sẽ thông qua quyết định về những nguyên tắc cơ bản của Dự thảo Hiệp ước quy định việc cải tổ Cộng đồng kinh tế Á - Âu thành một tổ chức liên kết mới. Hội nghị cũng thảo luận những khía cạnh quan trọng khác của tiến trình tiếp tục hội nhập, trong đó có việc nhất thể hóa kiểm soát hộ chiếu - thị thực tại các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan, nhằm bảo đảm cho người dân các nước thành viên được đi lại tự do trên lãnh thổ các nước này. 

Những thông tin phát đi từ Điện Kremli cho thấy các nước tham gia đều bày tỏ tin tưởng rằng các quyết định được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ tạo xung lực mới cho các tiến trình hội nhập trong không gian Á - Âu, tạo thêm bước đi quan trọng trên con đường thành lập Không gian kinh tế thống nhất và Liên minh kinh tế Âu - Á.