Tương lai bất ổn

ANTĐ - Cuộc chiến Libya đang đi tới hồi kết song lại đang mở ra nỗi ám ảnh lớn. Đó là liệu quốc gia này có trở thành một “Iraq thứ hai” ở Bắc Phi hay không? 

Libya đang ám ảnh với mối lo là có trở thành một  Iraq thứ hai

Chẳng phải vô cớ mà mối lo Libya có thể trở thành một đất nước “Iraq thứ hai” đang lớn dần cùng với sự suy sụp nhanh chóng của lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Việc để mất khu dinh thự kiên cố Bab al-Azizya, thành trì cuối cùng tại Thủ đô Tripoli, vào tay quân đối lập đêm 23-8 được giới bình luận cho rằng gần như đã đặt dấu chấm hết cho 42 năm cầm quyền tại Libya của ông Gaddafi.

Cho dù ông Gaddafi trốn thoát khỏi Bab al-Azizya trong khi quân đối lập tràn ngập Tripoli hay những người ủng hộ vẫn còn nắm giữ được một số vùng trên đất nước như thành phố Sirte quê hương song ông Gaddafi hầu như không có khả năng lật ngược thế cờ. Quân đối lập sau khi chiếm đại bản doanh của nhà lãnh đạo Gaddafi ở trung tâm Thủ đô Tripoli lập tức tuyên bố: “Cuộc chiến đã kết thúc”.

Cuộc chiến Libya có thể không còn nóng bỏng bởi những giao tranh dữ dội nhưng chẳng phải vì thế mà ổn định có thể trở lại với quốc gia Bắc Phi này. Cuộc chiến vào hồi hạ màn cũng là lúc bùng lên biết bao nỗi lo ngại sâu sắc về tương lai đầy bất ổn và bấp bênh của Libya.

Chiếm giữ thủ đô và hầu hết các thành phố lớn của Libya, Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) - chính quyền của quân chống đối - sẽ đứng ra điều hành đất nước Libya như một chính quyền mới. Trong động thái mới nhất, Hàn Quốc ngày 24-8 đã công nhận NTC là chính quyền mới ở Libya và là đại diện hợp pháp cho người dân nước này, nâng tổng số quốc gia công nhận NTC lên ít nhất là 32 nước.

Thế nhưng, điều trớ trêu là mối lo đầu tiên và cũng là mối lo lớn nhất lại đến từ NTC đang được xem là chính quyền mới ở Libya. Là tập hợp của những nhà lãnh đạo là cựu bộ trưởng “đào tẩu” khỏi chính quyền Gaddafi, nhân vật đối lập đại diện cho một loạt quan điểm chính trị rất khác biệt nhau như chủ nghĩa dân tộc Arab, Hồi giáo, thế tục, xã hội... thì liệu NTC có là một chính quyền đủ mạnh để chèo lái con thuyền đất nước trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” hiện nay?

Trong khi đó, quân đối lập chỉ là một lực lượng chắp vá gồm các nhóm vũ trang, cựu binh sĩ và những dân quân tự do. Chính quyền và đội quân đó lại phải đối mặt với thách thức giải quyết một cuộc chiến với nền kinh tế đất nước rối loạn, các ngành dịch vụ công cộng bị tàn phá... và các nhóm vũ trang tự do tung hoành.

Thực tế cầm quyền yếu kém của NTC những tháng qua ở những vùng đất mà quân đối lập kiểm soát càng làm gia tăng thêm mối lo Libya có khả năng trở thành một “Iraq thứ hai”. Thủ tướng Anh David Cameron cũng phải thừa nhận rằng, một trong những điều khiến ông lo lắng nhất lúc này là làm thế nào để Libya không đi vào vết xe đổ, lặp lại những sai lầm diễn ra ở Iraq. 

Sự sụp đổ của một chế độ Saddam Hussein tháng 3-2003 đã kéo theo nhiều năm nội chiến đẫm máu và khiến đất nước và người dân Iraq phải trả giá đắt hơn cả cuộc chiến trước đó. Hơn 8 năm sau, nỗi ám ảnh về một “Iraq thứ hai” lặp lại ở Libya hiện vẫn chưa biết làm cách nào và có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh này hay không.

Ông Gaddafi tuyên bố cố thủ ở Tripoli

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vẫn đang cố thủ tại Thủ đô Tripoli. Đây là thông tin được Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua thế giới Kirsan Ilyumzhinov xác nhận sau cuộc nói chuyện với ông Gaddafi hôm 23-8. “Tôi vẫn sống và rất khỏe mạnh. Tôi đang ở Tripoli và không có ý định rời Libya”, ông Kirsan Ilyumzhinov dẫn lời ông Gaddafi. Hiện chưa rõ liệu ông Gaddafi và gia đình có ở Bab al-Aziziya hay không, nhưng dinh thự này được cho là được nối với nhiều địa điểm quan trọng khắp thành phố bằng các đường hầm và gia đình của ông cũng được cho là đã chuyển đến những nơi trú ẩn an toàn ở Tripoli.

Cùng ngày, trong một thông điệp phát trên kênh Al-Arabiya, ông Gaddafi tuyên bố đã đi qua các đường phố của Tripoli mà không để lộ tung tích. “Không ai nhìn thấy tôi và tôi đã chứng kiến những người trẻ tuổi sẵn sàng bảo vệ thành phố của họ”, ông Gaddafi cho biết. Đài truyền hình al-Urubah dẫn lời Tổng thống Gaddafi qua băng ghi âm hôm 23-8 cho biết việc ông rút lui khỏi dinh thự Bab al-Aziziya chỉ là “một bước lùi chiến thuật”. Trong một thông điệp mới nhất, ông Gaddafi cũng khẳng định “hoặc là chết hoặc là chiến thắng” trong cuộc chiến chống lại NATO và phe chống đối. 

Quân nổi dậy đàm phán với Liên hợp quốc

Thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Libya đang lên kế hoạch gặp các đại diện của Liên hợp quốc vào tuần này để đàm phán về các kế hoạch ổn định đất nước trong một phần nỗ lực nhằm thu hút viện trợ tài chính và chính trị quốc tế cho Libya sau khi chính quyền Muammar Gaddafi sụp đổ.

Trong một cuộc họp báo hôm 23-8 tại Dubai, các đại diện của lực lượng chống đối ở Libya cho biết, cuộc hội đàm với các đại diện Liên hợp quốc sẽ bắt đầu vào đêm 24-8 (giờ địa phương) và kết thúc vào hôm nay 25-8. Bộ trưởng Tái thiết của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya Ahmed Jehani cho hay, trong thời gian tới đất nước dầu mỏ này cần tiếp tục xây dựng để đảm bảo một Libya an toàn, vững mạnh vì vậy Libya cần 2 tỷ USD để thanh toán lương và các chi phí giai đoạn “hậu” Gaddafi. Trong khi đó, Qatar đang tổ chức một cuộc họp để gây quỹ 2,4 tỷ USD để ủng hộ cho quốc gia Bắc Phi này trong công cuộc tái thiết.