- Xử lý chênh lệch lương đối với người nghỉ hưu trước và sau 2018
- Lao động nữ giảm 10% lương hưu: Sốc và thiệt thòi
- Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021
Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo đó, từ ngày 1-1-2021, cứ mỗi năm tuổi nghỉ hưu tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết ngành lao động, thương binh và xã hội ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã lý giải nguyên nhân của đề xuất trên. Trước tiên, tuổi nghỉ hưu như hiện hành là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi đã được quy định từ năm 1961. Tính đến nay đã hơn 50 không có sự thay đổi.
Tiếp đến, việc điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu để thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới. Ngoài ra, theo các tính toán, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng góp phần đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. Hiện nay, nhiều quốc gia đang quy định tuổi nghỉ hưu là 65 hoặc 67 tuổi.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, xét trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, Việt Nam phải có những phương án để chuẩn bị. Việc tăng tuổi nghỉ hưu được đề xuất trong dự thảo không phải tăng tuyệt đối và cào bằng giữa các nhóm lao động.
Cụ thể, không phải tất cả các nhóm lao động, ngành nghề đều nâng mức tuổi nghỉ hưu với nữ 60 tuổi hay nam 62 tuổi mà trong dự kiến có nhóm tuổi cao hơn hoặc thấp hơn độ tuổi này với mức chênh lệch không quá 5 năm. Sẽ có người về hưu từ độ tuổi 55 hoặc 57 tùy thuộc ngành nghề đang làm. Bên cạnh đó, nếu bị suy giảm sức khỏe và qua giám định thì vẫn được nghỉ hưu trước tuổi.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Bộ luật Lao động sửa đổi vào kỳ họp tháng 5-2019, Quốc hội khóa XIV và thông qua dự án luật vào kỳ họp tháng 10-2019.