Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021

ANTD.VN - Thực tế nhiều người dân trên 60 tuổi ở Việt Nam vẫn tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập hoặc mong muốn được đóng góp, cống hiến những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc…

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động. Trong đó, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu luôn được dư luận quan tâm và đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.

Lần sửa đổi Bộ luật Lao động này, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Do đó, cơ quan soạn thảo đã đưa ra phương án sửa đổi quy định hiện hành và đề xuất cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình, kể từ năm 2021.

Mất cân đối quỹ lương hưu

Trong dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1 là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện hành, theo đó, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Phương án 2 là tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 1-1-2021. Việc tăng sẽ theo lộ trình từ 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Lý giải nguyên nhân cần tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, lý do quan trọng nhất là nếu giữ nguyên mức đóng - hưởng, thời gian đóng - hưởng thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối dài hạn. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, phải trích từ quỹ kết dư để chi trả. Từ năm 2034, phần quỹ kết dư trả hết, phải lấy ngân sách bù vào.

Ví dụ, một nam giới có 30 năm đóng BHXH, về hưu ở độ tuổi 60 sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% lương trung bình đã đóng BHXH. Trong 30 năm (360 tháng) tham gia BHXH, mỗi tháng đóng 22% tiền lương thì người này đóng vào quỹ 79 tháng lương trung bình.

"Số tiền này chỉ đủ chi trả trong 105 tháng lương hưu (tương đương 9 năm); nếu tính cả lãi suất đầu tư quỹ thì có thể trả đủ cho 12 năm lương hưu" - Bộ LĐ-TB&XH phân tích.

Quỹ BHXH hưu trí dự kiến sẽ không còn kết dư vào năm 2034

Do vậy, muốn bảo đảm bền vững tài chính của quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có 2 cách: nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp hoặc giảm mức hưởng lương hưu của người lao động. Nâng mức đóng là khó vì tăng gánh nặng tài chính của người lao động và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó bảo đảm cuộc sống của người hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, còn nhiều lý do được đưa ra như tuổi thọ bình quân của người Việt tăng nhiều so với trước nên thời gian hưởng lương hưu khá dài, nâng tuổi hưu để ứng phó xu hướng già hóa dân số, thiếu lao động, hay thực tế nhiều người dân trên 60 tuổi ở Việt Nam vẫn tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập hoặc mong muốn được đóng góp, cống hiến những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc…

Lao động trẻ mất cơ hội?

Trong tờ trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho biết có nhiều ý kiến cũng đề nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì nhiều NLĐ không muốn kéo dài thời gian làm việc mà mong được nghỉ hưu ở độ tuổi hiện hành để hưởng lương hưu hằng tháng, sau đó nếu làm việc thêm thì họ có 2 khoản thu nhập.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết có ý kiến cho rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng được cho là không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Ngoài ra, nhiều ý kiến lo ngại tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu tới lao động trẻ, bởi hiện nay tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này vẫn tương đối cao. 

Theo  Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, trong điều kiện hiện nay, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Trước hết, bảo đảm cân đối quỹ hưu trí, tử tuất.

Tăng tuổi nghỉ hưu còn là giải pháp chủ động đón nhận xu hướng già hóa dân số. Dự báo trong tương lai gần, trung bình mỗi năm nước ta có 10% dân số hết tuổi lao động. Bước vào thời kỳ dân số già, tất yếu sẽ thiếu nguồn lực lao động trẻ nên không thể không tính đến phương án kéo dài thời gian làm việc của người lao động. Hơn nữa, tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Quảng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần thận trọng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt. Đối với lao động trực tiếp, lao động trong các khu vực độc hại, lao động mang tính đặc thù, tuổi nghỉ hưu nên được giữ nguyên, thậm chí, với một số ngành, nghề có thể giảm.

Cơ quan soạn thảo cho biết, dự kiến, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Bộ luật Lao động sửa đổi vào kỳ họp tháng 5-2019, Quốc hội khóa XIV và thông qua vào kỳ họp tháng 10-2019.