Tự xét mình, khó lắm!

ANTĐ - Tình cờ trong quán cà phê phố cổ, tôi quen một phóng viên nước ngoài, sau thành thân thiết. Làm nghề viết báo, nay đọc mai quên, nhưng anh lại mê triết học. Nhìn mọi sự ở đời, anh hay truy nguyên, rồi triết lý. Anh thường nhắc câu nói của triết gia Hy Lạp cổ Socrates: “ Phải tự xét mình, bởi vì sống mà không suy xét không đáng gọi là sống”.

Lúc rỗi rãi, chúng tôi hay tìm đến một ngôi chùa khuất nẻo, vắng vẻ. Đôi khi vào Văn Miếu, chọn lúc chiều tắt nắng, vắng người. Dưới mái chùa thâm nghiêm, anh lại nhắc tới Socrates, người chưa từng tự tay viết một câu chữ nào để lại hậu thế. Nhưng cũng như đức Phật, đức Khổng Tử ở phương Đông, Socrates là triết gia có tầm ảnh hưởng đậm nhất lên lịch sử tư tưởng phương Tây. Câu châm ngôn nổi tiếng mà ông theo đuổi suốt đời là: “Hãy biết chính mình!”. Thay vì bàn chuyện vũ trụ, thượng đế cao xa, ông quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Ông tin rằng, mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.

Con người luân lý và xã hội luân lý

Chiều cuối năm, tôi và anh vào Văn Miếu, ngồi dưới gốc bồ đề. Bốn bề vắng lặng, nghe rõ tiếng lá rụng. Nhặt chiếc lá lên, tôi nói từng đọc lời Phật dạy: “Trong con đã có sẵn cái mà con đang tìm”. Ở nước tôi, trẻ con từ lúc lọt lòng, phần lớn mọi sự sau đó đã được người lớn sắp đặt sẵn cả. Gia đình, nhà trường, xã hội chẳng những “bao cấp” mọi chuyện ăn mặc, sinh hoạt mà còn “bao” luôn cả suy nghĩ của chúng. Đứng trước mọi vấn đề gặp phải trong cuộc sống, chúng rất ít động não tìm cách giải quyết. Chỉ cần dựa theo sự sắp đặt của người lớn mà xử  sự,  thế là xong. Từ tiểu học đến đại học, người ta ít coi trọng dạy “làm người”, dạy đạo lý. 

Anh tự nhận mình cũng là một sản phẩm của nền giáo dục bên nước anh. Học giỏi là để thi đỗ đại học, để dễ kiếm việc, kiếm tiền. Văn hoá Nho giáo có mặt tốt là nhấn mạnh ý thức tập thể, song lại xoá bỏ ý thức của cá nhân. Ảnh hưởng rõ nhất của tư tưởng này là thầy giáo chỉ thích học sinh ngoan ngoãn vâng lời, không ưa học trò nói năng hoặc có suy nghĩ ngoài khuôn phép. Nếu quả thật, anh nói, chúng ta đã mệt mỏi và chán cái cung cách dạy dỗ ấy, có lẽ phải bắt đầu từ trẻ nhỏ. Thử hỏi, thầy cô dạy gì cho trẻ biết yêu thương ông bà, cha mẹ, người thân? Yêu tiếng chim, loài vật, yêu từ ngọn cỏ, lá cây. Anh có biết Mạnh Tử dạy sao không? “Gốc của thiên hạ là đất nước. Gốc của đất nước là gia đình. Gốc của gia đình là bản thân”. Có con người luân lý mới có gia đình luân lý và xã hội luân lý. Đừng đổ oan cho xã hội. Một gia đình mà bố mẹ luôn “mày tao”, xô xát thì con cái làm sao biết nhường nhịn, bao dung, tha thứ. Xã hội mất đi tính nhân văn thì các hành vi bạo lực bị dồn nén dễ bùng phát mạnh hơn, liều lĩnh hơn và thú tính hơn. Nếu có chuẩn mực sống, cái ác có thể không biến mất hoàn toàn nhưng sẽ đỡ hơn. Mỗi người trong gia đình phải được dạy làm người, phải tu thân, tích đức. Không nguyên cớ gì sao ra đường chỉ va chạm nhỏ, xích mích hay có khi “nhìn đểu” là rút dao đâm người khác?

Cái ác không tự nhiên sinh ra

Anh bạn tôi đã sống ở đây quá đủ để thấy cái ác xảy ra ở khắp nơi,  gây chấn động xã hội, làm nhiều người bàng hoàng bởi kẻ gieo cái ác có gương mặt trẻ măng. Thấy cái ác, bạo lực ngay sát bên mình,  nhiều người giải thích là vì game và phim bạo lực, vì nhịp sống căng thẳng stress quàng vào cổ mọi người. Có người thở dài bảo nền móng đạo đức xã hội xuống cấp,  lòng  nhân ái trong con người đang chết dần. Phán xét như thế có quá lời không?

Tôi kể, một bà luật sư với tư cách một người mẹ, phàn nàn rằng ở trường, thầy cô dạy chữ chưa đủ, còn phải dạy trẻ biết xin lỗi, nhận lỗi và hiểu lẽ phải trái. Môn giáo dục công dân vẫn nặng về rao giảng, thuyết lý mà nhẹ về những chuyện rất gần gũi với trẻ. Cho nên không thể đổ thừa cho bọn trẻ, trách nhiệm của người lớn là lớn lắm. Cả cha mẹ, nhà trường và cả xã hội đều phải xắn tay vào. Anh chậm rãi ngắt lời, với người phương Đông, tình cảm gia đình là cốt tử. Bản thân con trẻ phải được “hít thở và tắm” trong môi trường gia đình không “ô nhiễm”. Hàng ngày, hàng giờ, ông bà, cha mẹ phải dạy cho trẻ nhận biết cái ác, cái xấu. Giống như “tiêm chủng” vaccine giúp chúng có chuẩn mực sống thì con người sẽ bớt ác đi. 

Có một nhà xã hội học phương Tây từng viết: “Con người lúc sinh ra đã có đủ bản tính trung thực, dũng cảm và tham lam. Nhưng khi lớn lên thì đa số chỉ giữ lại lòng tham”. Câu nói ấy, thật chí lý, tôi xen vào. Có một nhà đầu tư chứng khoán  đã trở thành tỷ phú trên thế giới không giấu giếm bí quyết thành công. Ông bảo, phải biết lợi dụng hai trạng thái tâm lý của đám đông: lòng tham và nỗi sợ hãi. Nhìn ra quanh ta có rất nhiều hiện tượng xã hội diễn ra đều bắt nguồn từ lòng tham và nỗi sợ của con người.

Lòng tham và nỗi sợ

Sợ hãi có mặt trái là nó khiến con người nhu nhược, hèn nhát. Nhưng mặt khác, cái nên sợ, đáng sợ lại giúp con người không dám liều lĩnh, hành động xấu hoặc gây tội lỗi và tội ác. Do vậy, biết sợ cũng có thể hạn chế, ngăn lại các thói xấu cũng như các loại tham lam. Một nhà xã hội học cảnh báo: trước đây có nhiều thứ để gắn kết con người: gia đình, làng xóm, cộng đồng xã hội. Có những ý thức khiến ta nhầm tưởng là mê tín nhưng lại làm cho người ta biết sợ. Nhân quả, thiện ác, quả báo, nhiều thứ thậm chí còn rất thiêng. Ví như trong nhà cha mẹ là thiêng. Đến trường, học sinh sợ thầy cô một phép, sợ hơn cả cha mẹ. Nay thì hầu hết đã “mất thiêng”.

Nắng đã tắt từ lâu, trời chạng vạng. Ngoài kia dòng người và xe cộ hối hả, gấp gáp hơn. Chuyện của chúng tôi còn dở dang. Mà, có lẽ càng nói thì càng không thể cắt nghĩa được động cơ gì khiến cho những hành vi gây án của những kẻ chưa hề có tiền án, tiền sự, mà chỉ trong nháy mắt đã gây thương tích cho người khác, thậm chí giết người dã man. Anh bạn tôi trở nên trầm ngâm, suy ngẫm tự soi mình. Anh thong thả nói, hình như không thể chỉ phán xét đạo đức xơ cứng mà phải “mổ xẻ” ở khía cạnh tương tác tâm lý và xã hội học để tìm kiếm nguyên nhân hành xử, chuẩn mực chi phối đã đẩy con người đến tình trạng phạm tội. Anh có một người bạn cũng là phóng viên nước ngoài từng đến Hà Nội và TP.HCM nhiều lần, cảm nhận, giao thông ở đây đúng là một màn ballet không kịch bản. Tại các nút giao thông kẹt cứng xe máy, ôtô, xe buýt, ai cũng chen lấn và bấm còi inh ỏi, hình như không có chuyện nhường đường cho người khác. Anh ấy nhận xét, có thể thấy trong đám đông chen chúc đó, ý thức cộng đồng hoàn toàn bị triệt tiêu. Hành xử văn hoá và sự tôn trọng nhau bị “đốt cháy” theo hơi xăng và tiếng động cơ,  nhường chỗ cho bản năng xoay xở. Mỗi người vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Tại đây, những ức chế tâm thần dễ dàng tạo cơ hội cho hành vi hung bạo bùng phát. 

Một nhà xã hội học nhận xét, bản chất của đám đông là thiếu khả năng suy luận, lại thừa khả năng hành động. Đứng tách riêng, anh là một cá nhân có văn hoá. Giữa đám đông, anh có thể là một kẻ dã man, nghĩa là rất bản năng. Anh có tính tự phát, thói bạo lực, tính hung dữ và có cả sự “can đảm” của người nguyên thủy. Một đám đông mất chuẩn, hành xử trên tinh thần hung bạo có sức  hút  mọi người và tạo ra tập tính hành xử mất chuẩn. Mỗi cá nhân chẳng khác nào được “cài đặt” trong  mình một quả bom “chậm nổ” để sẵn sàng bùng phát với đồng  bào, đồng loại... 

Mỗi người phải tự soi mình

Cửa Văn Miếu khép hờ, nhìn quanh không một bóng người. Chỉ còn tôi và anh. Dường như đứng  trong ngôi đền văn hóa này  nhìn ra ngoài xã hội, chúng tôi thấy rõ hơn “mớ bòng bong” giao thông chiều cuối năm. Bạn tôi trầm ngâm, nhìn sự chen lấn xô bồ chỗ ùn tắc lại nhớ một nhà văn có nói: “Nếu không mục ruỗng từ bên trong thì không có gì từ bên ngoài có thể xâm nhập được”. Hàm ý sức đề kháng của những “hồng cầu” văn hóa  trong huyết quản mỗi con người trước những “vi rút” đầy rẫy ngoài xã hội và môi trường...

Dắt xe thong thả trên vỉa hè, tôi thú thật rằng, lâu nay ở nước mình,  khi xác định chuẩn đói nghèo, người ta thường chỉ lấy thước đo thu nhập đầu người. Nay có ý kiến  cần  thêm thước đo “nghèo sức mạnh”. Khác với nghèo thu nhập, có thể đo đếm, “nghèo sức mạnh” mới là gốc rễ khó dò biết được. Nhiều người trên xe buýt thấy rõ kẻ cắp móc túi, thấy trên đường kẻ xấu hành hung người lương thiện nhưng không dám hé răng. Vì là sợ bị liên luỵ, sợ bị trả thù. Dần dà, cướp giật, trấn lột và cái ác ngày càng hoành hành ngang nhiên và phổ biến. Một số em học sinh thấy bạn bị đòn “hội đồng” ngay trong lớp, trên sân trường, vẫn nhắm mắt làm ngơ. Dần dần sẽ mất phản xạ trước tốt - xấu, thay vào đó là sự vô cảm. Anh bạn tôi nói thêm, đó chỉ là một vài trong hàng ngàn biểu hiện của sự nghèo sức mạnh, khi con người  còn rất ít khả năng bày tỏ thái độ, hành động trước thiện - ác, phải - trái, trắng - đen, thật - giả, tốt - xấu. Mà, cái lằn ranh giới của nó mỏng manh như sợi tơ nhện... 

Trời tối hẳn, phố sá lên đèn, chan hòa ánh sáng. Trước khi chia tay, anh vẫn còn day dứt một điều: “Bây giờ trẻ em học ở trường chẳng hề biết đồng quê có loài hoa gì, loài chim gì để yêu, để nhớ. Ai dạy cho chúng biết rung động và thương yêu loài vật, cỏ cây, rồi biết yêu thương con người và sợ làm người khác đau?”. Tôi chỉ vớt vát mấy câu, có phải vì người lớn chỉ biết đi tới phải trước, bất chấp tất cả, đạp lên tất cả, mà quên rằng, đi ngay sau chân mình còn có những đứa trẻ, lớp trẻ. Nhiều khi ta phải biết nhìn lại phía sau, nhìn lại mình,  tự xét mình và tự thức tỉnh.