Từ vụ "Tịnh thất Bồng Lai": Vụ án hình sự bị tạm đình chỉ dựa trên căn cứ nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ “Tịnh thất Bồng Lai”, cơ quan công an đã tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác 2 nội dung về hành vi loạn luân và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy vụ án hình sự bị tạm đình chỉ khi nào, việc áp dụng thời hiệu với các vụ án này để làm căn cứ đình chỉ thực hiện ra sao?

Bên cạnh việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác 2 nội dung về hành vi loạn luân và lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tịnh thất Bồng Lai, cơ quan công an còn ban hành Lệnh truy nã đối với bị can Lê Thu Vân.

Về vụ án "Tịnh thất Bồng Lai", cách đây ít ngày, TAND huyện Đức Hòa đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Vân mức án 5 năm tù, những đồng phạm còn lại bị phạt mức án từ 3-4 năm tù.

Về các căn cứ tạm đình chỉ điều tra vụ án, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, đó là việc tạm ngừng tiến hành các hoạt động điều tra đối với vụ án hoặc đối với bị can vì những lý do nhất định. Theo Điều 229 Bộ luật TTHS 2015, CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi:

Chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án; Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo;

Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Bị cáo Lê Tùng Vân và đồng phạm tại phiên xét xử sơ thẩm

Bị cáo Lê Tùng Vân và đồng phạm tại phiên xét xử sơ thẩm

Như vậy, với những vụ án có tính chất phức tạp, nhiều đơn tố giác, thời hạn giải quyết đã hết nhưng chưa có một số kết luận giám định liên quan sẽ tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Khi có các kết luận giám định CQĐT sẽ thực hiện các thủ tục tố tụng theo luật định.

Cụ thể, nếu kết quả giám định phù hợp với nội dung tố giác, kết hợp với các chứng cứ cụ thể thu thập được trong quá trình điều tra thì CQĐT sẽ phục hồi điều tra. Nếu không có căn cứ chứng minh hành vi phạm tội thì CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra - Luật sư Thu nhấn mạnh.

Về các trường hợp đình chỉ điều tra, theo Khoản 1 Điều 230 Bộ luật TTHS 2015, việc đình chỉ điều tra được thực hiện khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự; Khi đã hết thời hạn điều tra vụ án hình sự mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 27 BLHS 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính như sau: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Với trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên có thể xác định việc áp dụng thời hiệu đối với vụ án bị tạm đình chỉ điều tra được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015. Đối với trường hợp tạm đình chỉ điều tra nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì CQĐT phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

Việc phục hồi điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 235 Bộ luật TTHS chỉ được thực hiện khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghĩa là khi đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, CQĐT phải ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định - Luật sư Thu nhận định.