Từ vụ mẹ đánh chết con sau khi nhậu: Giết người trong lúc say có được miễn, hay giảm nhẹ tội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ người mẹ trẻ đánh con nhỏ 1 tuổi tử vong sau khi nhậu, nhiều người đặt câu hỏi, thực hiện hành vi phạm tội trong lúc say xỉn có được miễn hay giảm nhẹ hình phạt?

Tối 16-5, Nguyễn Thị Phương Thảo (28 tuổi, quê ở tỉnh An Giang) sau khi uống bia say về phòng trọ tại phường Tân Định, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Lúc này 2 con nhỏ của Thảo là cháu N.H.G.B. (3 tuổi), N.H.G.A (1 tuổi) đang ở trong phòng.

Thảo nằm dưới nền nhà ngủ được một lúc thì cháu A khóc nên Thảo tìm cách dỗ nhưng con không nín, Thảo dùng tay đánh mạnh nhiều cái vào người bé A.

Khi không nghe con khóc nữa, Thảo ngủ tiếp. Khuya cùng ngày, Thảo thức dậy, thì phát hiện bé A không còn thở, người đã tím tái nên nhờ người đưa con đi đến bệnh viện cấp cứu, song cháu A đã tử vong trước đó.

Đối tượng Nguyễn Thị Phương Thảo

Đối tượng Nguyễn Thị Phương Thảo

Tại cơ quan công an, Thảo khai nhận đã dùng tay đánh con nhiều cái, nhưng không biết trúng vào chỗ nào. Hiện Công an tỉnh Bình Dương đã lấy lời khai đối với Thảo để điều tra hành vi giết người.

Vụ việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua đã có không ít đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội trong lúc đang say rượu bia hoặc ‘phê’ ma tuý. Sau những vụ việc này, điều khiến nhiều người băn khoăn là theo quy định hiện hành, người say rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích khác có phải chịu trách nhiệm hình sự?

‘Mặc dù tình trạng say rượu hay ‘ngáo đá’ không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, thực tế đã có không ít đối tượng ‘mượn’ rượu bia, ma tuý để hành hung, đánh đập người khác hây thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tính mạng nên cần bị xử lý nghiêm khắc để răn đe’ – bà Phạm Hồng Thanh, cán bộ hưu trí phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ đề xuất.

Theo BLHS 2015, người phạm tội chỉ không phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp: Sự kiện bất ngờ; Không có năng lực trách nhiệm hình sự; Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Trong khi bắt giữ người phạm tội…

Bên cạnh đó, theo Điều 13 Bộ luật này, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, người say rượu bia, 'phê' ma tuý dẫn đến mất khả năng nhận thức thực hiện hành vi giết người vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này - luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Điều 123 BLHS 2015 quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình… thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Cũng theo luật sư Thu, BLHS 2015 không loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội do bị say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác do trước đó họ là người có năng lực trách nhiệm hình sự và khi họ uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích khác (như ma túy đá dẫn đến 'ngáo đá',… ) là tự họ đặt mình vào trong tình trạng say, 'ngáo' nên họ có lỗi.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu người say rượu/người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do họ gây ra còn là biểu thị thái độ nghiêm khắc của xã hội đối với tệ nạn này.