Từ vụ cựu Bí thư Thanh Hóa nộp 22,5 tỷ đồng: Để được xét giảm án nên nộp tiền khắc phục hậu quả khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, cựu Bí thư và cựu Chủ tịch Thanh Hóa đã nộp 45 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Vậy theo quy định, nên nộp tiền khắc phục hậu quả vào khi nào để được xét giảm án?

Liên quan tới vụ án Hạc Thành Tower, 2 bị can Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nộp số tiền 45 tỷ đồng (mỗi ông 22,5 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả. Trước đó, Công an Thanh Hóa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét nhà và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Vụ việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua đã có nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng nộp lại số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng để khắc phụ hậu quả ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Hai bị can Nguyễn Đình Xứng (bên trái) và Trịnh Văn Chiến
Hai bị can Nguyễn Đình Xứng (bên trái) và Trịnh Văn Chiến

Có thể nói, khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt này không thể bồi thường hay sửa chữa được.

Dù pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về thời điểm phải nộp tiền khắc phục hậu quả, song theo Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự - luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Như vậy, trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại nhưng tự nguyện sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm thì có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Về mức độ khắc phục hậu quả, theo luật sư Nguyễn Thị Thu, hiện chưa có quy định cụ thể về mức khắc phục hậu quả để được giảm án, song thực tế cho thấy mức khắc phục hậu quả thường phải tương xứng với thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra.

Riêng với trường hợp bị kết án tử hình về Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354), tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 nêu rõ điều kiện để giảm án, không bị thi hành hình phạt tử hình là người bị kết án phải chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Với người đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt tù, việc khắc phục hậu quả của tội phạm cũng là một căn cứ để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Ngoài ra, theo điểm e khoản 2 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP, một trong các tiêu chí chấp hành hình phạt tù được xếp loại tốt là tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, đối với phạm nhân bị phạt tù ba năm trở xuống là có ít nhất một quý gần nhất được xếp loại khá trở lên.

Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khắc phục hậu quả là một trong những tiêu chí cần thiết để xếp loại chấp hành án phạt tù, từ đó, có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.