Từ vụ 'chuyến bay giải cứu': Bị ép buộc đưa hối lộ có bị xử lý hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ án 'chuyến bay giải cứu', trong phiên xét xử, một số bị cáo khai đã bị ép đưa hối lộ. Vậy, theo quy định, người bị ép buộc đưa hối lộ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Về Tội đưa hối lộ, Điều 364 BLHS 2015 quy định, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2- dưới 100 triệu đồng; Lợi ích phi vật chất.

Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên hoặc của hối lộ trị giá từ 100-dưới 500 triệu đồng…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội trong trường hợp của hối lộ trị giá từ 500 triệu-dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Nếu của hối lộ trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Quang cảnh phiên xét xử vụ án 'chuyến bay giải cứu'

Quang cảnh phiên xét xử vụ án 'chuyến bay giải cứu'

Phân tích quy định trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đưa hối lộ là hành vi đưa của hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn.

Việc đưa của hối lộ có thể do người phạm tội chủ động đưa cho người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng có thể đưa của hối lộ theo gợi ý, đòi hỏi của người có chức vụ, quyền hạn.

Việc đưa hối lộ có thể thực hiện một cách trực tiếp, nhưng cũng có thể thực hiện một cách gián tiếp (qua người môi giới).Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ thời điểm một bên chấp nhận đề nghị hoặc yêu cầu của bên kia. Người phạm tội đưa hối lộ thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Tội đưa hối lộ có động cơ vụ lợi. Mục đích là để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, động cơ không phải là dấu hiệu cấu thành bắt buộc của loại tội phạm này.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, trường hợp bị ép buộc đưa hối lộ, người đưa hối lộ đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Tình tiết người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.

Song với cá nhân bị ép buộc đưa hối lộ nhưng không khai báo trước khi bị phát giác, thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các cấu thành của tội danh này – luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.