Từ vụ Chủ tịch Tân Hoàng Minh nộp lại 8.600 tỷ đồng: Khắc phục toàn bộ hậu quả có được giảm nhẹ tội?

ANTD.VN - Sau vụ Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng nhưng đã khắc phục toàn bộ hậu quả, nhiều người đặt câu hỏi, điều này có khiến bị can được giảm nhẹ tội, nếu các bị hại rút đơn sẽ xử lý ra sao?

Ngày 30-9, ông Đỗ Anh Dũng bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết luận điều tra, từ tháng 7/2021-tháng 3/2022, ông Dũng và một số người tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng.

Tân Hoàng Minh thông đồng với các bị can làm việc tại Công ty Kiểm toán Nam Việt Chi nhánh Phía Bắc và Công ty CPA Hà Nội để kiểm toán, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần trái chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Theo cơ quan điều tra, đây là hành vi hợp thức cho các công ty có đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định. Từ đó, các bị can chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng.

Tuy vậy, trong giai đoạn điều tra, ông Dũng đã nộp lại toàn bộ số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Điều 174 BLHS 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Các bị can Đỗ anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt

Các bị can Đỗ anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt

Ngoài ra, theo Điều 155 Bộ luật TTHS 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại quy định như sau, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không được liệt kê vào tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên mặc dù cá nhân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã trả hết số tiền cho người bị hại và họ rút đơn khởi kiện nhưng do hành vi của người phạm tội là vi phạm pháp luật nên cơ quan điều tra vẫn sẽ tiến hành khởi tố theo đúng quy định về tố tụng hình sự.

Việc trả hết số tiền đã lừa đảo được coi là người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và nếu được bị hại bãi nại thì cũng chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự. Khi tiến hành xét xử Tòa án sẽ căn cứ vào nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… để quyết định hình phạt - luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.