Từ vụ bắt Nguyễn Phương Hằng: Khi nào bị can được đặt tiền đảm bảo để tại ngoại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân nhiều người đặt câu hỏi: Sẽ xử lý ra sao nếu bà Hằng có 2 quốc tịch, bà Hằng có được tại ngoại, chờ điều tra, người chia sẻ livestream của bà Hằng có bị liên đới?

Về các biện pháp bảo lãnh và đặt tiền để bảo đảm thay thế cho tạm giam pháp luật tố tụng hình sự quy định, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam.

Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tình trạng tài sản, nhân thân của bị can, bị cáo, họ có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ (như: tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội…), Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm…

Mức tiền cụ thể phải đặt để đảm bảo nhưng không dưới: 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố, bắt tạm giam
Bà Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố, bắt tạm giam

Như vậy, theo quy định hiện hành, bà Hằng có thể chuẩn bị hồ sơ chứng minh nhân thân, tình trạng tài sản của mình để đề nghị được tại ngoại trong quá trình chờ cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ vụ án.

Song nếu cơ quan điều tra xét thấy việc tạm giam là cần thiết để phục vụ công tác điều tra, thì hoàn toàn có quyền không cho bà Hằng tại ngoại - Luật sư Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Về chế tài xử lý đối với những cá nhân có hai quốc tịch, theo Luật sư Hồng Vân, Khoản 1 Điều 5 BLHS 2015 sửa đổi đã nêu rõ, mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ áp dụng Bộ luật hình sự của Việt Nam để giải quyết.

Trong trường hợp người phạm tội là người nước ngoài, phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, nếu thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.

Trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Về trách nhiệm pháp lý của những người đã sử dụng mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok để chia sẻ loạt video livestream của bà Hằng, qua đó lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân, Luật sư Hồng Vân nhận định, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ pháp lý cho thấy những người đó có sự thông đồng, hưởng lợi từ bị can hoặc ai đó, thì họ sẽ bị xem xét xử lý với vai trò đồng phạm của bà Hằng.

Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng cần làm rõ mục đích, động cơ của người chia sẻ clip hoặc chứng minh được họ làm việc này là do ai đó tác động rồi trả tiền.

Còn nếu người dùng mạng xã hội chia sẻ các video livestream của bà Phương Hằng chỉ vì tò mò, nhằm câu view thì việc xử lý họ với vai trò đồng phạm không đặt ra.